Đó là chia sẻ của điều dưỡng Mai Văn Nội, Khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế - một trong những “chiến binh thầm lặng” trong đại chiến COVID-19 chia sẻ.
Ngày về mang theo nụ cười
Hơn một tháng chống dịch tại Bình Dương, khoảng thời gian cũng không quá dài, cũng không quá ngắn nhưng với cán bộ điều dưỡng Mai Văn Nội đó là một khoảng thời gian không bao giờ quên, một hành trình của nhiều cung bậc cảm xúc. Cũng là một quãng thanh xuân đẹp đẽ mà những đồng nghiệp, những “chiến binh” và nam điều dưỡng này đã cùng nhau trải qua, một thời gian vất vả nhưng rất đáng tự hào.
Điều dưỡng Mai Văn Hội nhớ lại, Huế vào những ngày hè tháng 7 oi ả, chúng tôi gồm 20 cán bộ, trong đó có 10 bác sĩ, 10 điều dưỡng lên đường. Những đồng nghiệp đến từ các khoa khác nhau trong Bệnh viện. Nhưng đến đó, tôi cảm thấy họ thân quen vô cùng, họ sẽ sát cánh bên tôi, và cùng tôi chia sẻ những khó khăn trong chuyến công tác. Chúng tôi lên đường với tâm nguyện sẽ cố gắng hết mình, đem những kiến thức đã được rèn giũa để giúp miền Nam chiến thắng đại dịch với phương châm “an toàn, vượt khó, thành công”.
“Nơi chúng tôi đến là bệnh viện dã chiến Phú Chánh - Bình Dương, nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID nặng. Mỗi kíp trực 12 tiếng gồm 4 bác sĩ và 7 điều dưỡng, chúng tôi phải theo dõi và chăm sóc cho hơn 40 bệnh nhân nặng, nguy kịch” - điều dưỡng Hội tâm sự. “Nhớ lại những ngày đầu, khi đối diện với ca bệnh nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, sự làm việc cật lực của đồng nghiệp, tôi cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của dịch bệnh... Đại dịch giờ đã qua, đoàn chúng tôi đã trở về với cuộc sống thường nhật, nhưng đâu đó ký ức của những ngày khó khăn ấy vẫn ùa về. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn nhớ những ca bệnh cấp cứu, những đêm trực mệt mỏi hay những nụ cười ấm áp của bệnh nhân, những câu nói ân cần của họ “Cám ơn cháu đã vào miền Nam”. Khi đi xa, khi đối diện với những khó khăn như thế này, có được sự quan tâm và tin tưởng của người bệnh, tôi cảm thấy thật trân quý" - nam điều dưỡng Mai Văn Nội xúc động chia sẻ.
|
Những cán bộ điều dưỡng cắt tóc cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 |
"Chứng kiến cường độ làm việc của đồng nghiệp, tôi cảm thấy thương và cảm phục họ vô cùng. Với những ngày hè nắng gắt của miền Nam, trong bộ đồ bảo hộ cấp 4, nhưng những đồng nghiệp của tôi vẫn làm việc hết mình, không để thời gian trống. Những đồng nghiệp nữ tuy nhỏ bé nhưng thật sự phi thường, các bạn đã gác lại sự yếu đuối của phái yếu để thay vào đó là sự mạnh mẽ, là nơi nương tựa của người bệnh. Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, chúng tôi ngồi lại, kể cho nhau nghe những việc trong ngày, hay những nỗi nhớ nhà. Cũng có những nỗi ám ảnh mà bây giờ khi nhớ lại vẫn còn in nguyên trong đầu. Có đồng nghiệp từng nói rằng “tối ngủ em vẫn còn nghe tiếng máy thở kêu”, thật sự thương vô cùng!" – nam điều dưỡng bồi hồi kể lại.
Hạnh phúc với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Với chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, điều dưỡng Trưởng Khoa ngoại Thần kinh luôn tự nhủ sứ mệnh của một nhân viên y tế là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, chị thấy mình thật may mắn khi được chọn là một trong ba mươi hai “chiến sĩ áo trắng” vào miền Nam tham gia công tác, chăm sóc các bệnh nhân COVID vào tháng 7/2021.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Nga nhớ lại, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Bệnh viện Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp, nơi mà xưa nay tôi chỉ mới biết đến qua lời thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Tươi đẹp là thế, nhưng giờ đây do COVID-19 mà khung cảnh không còn sầm uất như trong văn thơ, thay vào đó là sự vắng vẻ, đìu hiu. Đến các khu điều trị bệnh nhân, tôi không khỏi thương cảm và rơi nước mắt trước sự tàn phá mà con virus này gây ra cho vùng đất này. Dù đã được quan tâm và hỗ trợ hết mức, nhưng dịch quá phức tạp và lây lan nhiều trong cộng đồng, sức người và lực là không đủ.
|
Các cán bộ điều dưỡng xúc động khi được nhận bằng Khen của Bộ Y tế trong ngày 12/5. |
Tiếp dòng cảm xúc, nữ "chiến binh" áo trắng lại kể: Chúng tôi lúc đó mang phương tiện phòng hộ cấp 4 bùng nhùng và khó di chuyển nhưng ai nấy cũng đều băng băng đi như chạy để khỏi vuột mất cơ hội sống của bệnh nhân; tham gia điều trị bệnh nhân vừa hỗ trợ các đồng nghiệp tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sa Đéc trong vấn đề chuyên môn và kiểm soát nhiễm khuẩn. Trên tinh thần “tất cả vì bệnh nhân” đồng thời nhận được lời thăm hỏi của người bệnh, lãnh đạo tỉnh cũng như bệnh viện đã tiếp thêm sức mạnh và năng lượng cho tôi cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ và vơi đi cảm giác nhớ nhà.
Hai tuần trôi qua, khi mọi thứ đã vào guồng, tôi lại nhận được thông tin là Thành phố Hồ Chí Minh (quận 10) đang rất cần chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục lên đường. Tình hình dịch lúc ấy, thật sự rất căng thẳng. Nhân viên y tế nhiều người đã nhiễm bệnh, những người còn lại cũng đang căng mình hết sức. Chúng tôi phải lao đầu vào việc ngay. Tất cả mọi người đều tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực từng giây, từng phút mong sao người bệnh được khỏe mạnh trong cuộc chiến cam go này. Sự đau thương không làm tôi gục ngã, mà ngược lại nó càng làm tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Nỗi lo sợ chính bản thân nhiễm bệnh dường như đã bị lấn át bởi lòng quyết tâm, tình thương với bệnh nhân và đồng bào ruột thịt của mình.
Bây giờ, đại dịch đã tạm thời lắng dịu, chúng ta đã đạt được trạng thái bình thường mới và đã học được cách sống chung với dịch bệnh. Nhớ lại những ngày đầu, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, sự khắc nghiệt của dịch bệnh, mỗi nhân viên y tế đều không chùn bước để bảo vệ an toàn cho sức khỏe nhân dân, giành lại sự sống cho người bệnh.
Tất cả vì sức khỏe người dân
Tại buổi toạ đàm mới đây tại Thừa Thiên - Huế, điều dưỡng Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế xúc động chia sẻ: Tôi không thể nào quên sự lo lắng của mình khi nhận nhiệm vụ đầu tiên chăm sóc cho những du khách người Anh nhiễm COVID-19. Không gian vắng lặng và những ngôi nhà đóng chặt cửa khi đoàn chúng tôi bước chân tới Bắc Giang 5/2021... Tôi không thể nào quên thời tiết nắng nóng 41-42 độ và những cái áo ướt đẫm mồ hôi của lãnh đạo đoàn cùng anh em đoàn Bệnh viện Trung ương Huế đi thị sát và thiết lập bệnh viện ICU lớn nhất Bắc Giang.
Điều dưỡng Trung nghẹn ngào: “Tôi không thể nào quên hình ảnh các anh chị em điều dưỡng lau chùi vệ sinh nền nhà sau mỗi lần mưa ngập. Không thể nào quên những cơn mưa bất chợt của Sài Gòn và hình ảnh GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện cùng với TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc bệnh viện đi tìm những điểm thấm dột của trung tâm ICU rộng 12.000m2, thậm chí leo lên mái nhà để kiểm tra những điểm khắc phục với mong muốn sớm nhất đưa trung tâm vào hoạt động phục vụ người dân…”.
|
GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế tại buổi toạ đàm 12/5. |
Ba điều dưỡng trên là những cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong rất nhiều điều dưỡng đã tham gia hỗ trợ phòng dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh và điều trị bệnh nhân tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngoài ra, các điều dưỡng còn nhận bằng khen của UBND các tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh...
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế: Dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng, hộ sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng đã có những đóng góp rất quan trọng, hiệu quả trên các lĩnh vực: Tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học, đóng góp phần không nhỏ cho sự thành công của Bệnh viện. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Đặc biệt, trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian vừa qua, điều dưỡng, hộ sinh đã có những đóng góp rất hiệu quả cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế khác từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và quốc tế, trong thời gian tới, Ngành điều dưỡng nói chung và đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên bệnh viện nói riêng phải tích cực học tập và trau dồi hơn nữa để nâng chất lượng chăm sóc theo tinh thần của Chiến dịch “Nursing Now” mà Tổ chức Y tế Thế giới và Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã phát động và luôn cố gắng hết sức để triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, đồng thời cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo”./.
Hội đồng Điều dưỡng Thế giới quyết định lấy 12 tháng 5 hằng năm, ngày sinh của Bà Florence Nightingale là Ngày Quốc tế Điều dưỡng. Bà Florence Nightingale (1820 – 1910) đã được thế giới tôn kính và suy tôn là người sáng lập ra Ngành Điều dưỡng hiện đại bởi những cống hiến to lớn của Bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại.
Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 là để tôn vinh những đóng góp rất quan trọng của người điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, đồng thời thể hiện chiến lược, định hướng của Ngành Y tế trong việc từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc người bệnh tiến tới hội nhập điều dưỡng khu vực và Quốc tế.
Đại dịch COVID-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của điều dưỡng – hộ sinh. Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua, trải qua 4 đợt dịch COVID-19 kể từ thời điểm dịch bùng phát, Bệnh viện Trung ương Huế được xem là “thành trì” của ngành y tế miền Trung, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện, vừa hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Sự cống hiến của họ đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các Tỉnh bạn ghi nhận và đánh giá cao .
|