Những người thầy vì tương lai học sinh các dân tộc thiểu số

Thứ tư, 20/11/2019 10:30
(ĐCSVN) - Hầu hết các thầy cô giáo đã gắn bó với các em học sinh dân tộc ít nhất 5 năm, nhiều nhất là hơn 32 năm và phần lớn là trên 10 năm. Nhiều người từ biệt quê hương để đến với các học trò vùng sâu, vùng xa, cả năm thậm chí vài năm mới được về thăm nhà.

Đó là những thông tin khái quát về 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn vừa được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầ+y cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Muôn khó khăn trên con đường “gieo” chữ

Nếu như 50 km là quãng đường mà ngày nào cô giáo Lương Thị Hòa, trường tiểu học và THCS Cao Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đều đặn sáng đi tối về, không kể nắng mưa thì đó cũng là quãng đường quen thuộc của thầy Ksor Giêng, giáo viên tại trường tiểu học và THCS EA Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đi về nhà suốt hơn 10 năm qua.

Không kể về khoảng cách giữa nhà với trường, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Ly, giáo viên trường THCS Trần Phú, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng lại nói về khoảng cách từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ: “chỉ 3km thôi nhưng vào mùa mưa chúng tôi phải đi mất 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ mới vào đến nơi để dạy”.

 
 Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao Bằng khen cho các thầy cô trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”

Đề cập tới việc dồn lớp, dồn điểm trường dẫn đến việc nhiều em học sinh phải di chuyển hơn 10km để đến trường, cô giáo Trần Thị Lan Anh, trường THCS Vàm Rày, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ngậm ngùi: “có em thì có xe đạp để đi lại, em không có xe. Việc đi học khó khăn dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học cao”.

Để giữ chân học trò nên vừa dạy Toán trên lớp, cô Lý Hòa Ly, trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa là bảo mẫu, dạy dỗ, chăm sóc cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Ngày lễ, tết nhiều khi cô Ly cũng chẳng về nhà bởi nhiều học sinh người Khmer của cô cả bố, cả mẹ đã đi làm ăn xa nên cô không đành lòng để các em bơ vơ không có người lớn bên cạnh.

Thương học sinh vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều “rào cản” ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp nhận kiến thức hơn so với những học sinh ở vùng thuận lợi, cô giáo Hà Thị Hiền, trường tiểu học và THCS Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình minh chứng:  "Có những em học sinh lớp 7 do tôi phụ trách, khả năng đọc còn chậm hơn so với con tôi đang học cấp 1 ở thị trấn. “Nam quốc sơn hà” là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt rất ngắn, dễ thuộc, có học sinh hôm nay kiểm tra đọc thuộc rồi nhưng ngày mai lại quên. Có những em thật thà nhận với tôi rằng, con ngu lắm cô ạ!”.

Với thầy Ma Đình Hiểu, giáo viên mầm non Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, khó khăn về nhận thức của học trò, về điều kiện đi lại, về những hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không đáng ngại bằng những “rào cản”… không đáng có mà người giáo viên phải vượt qua. “Chúng tôi là người dân tộc thiểu số, nói được tiếng dân tộc tại địa bàn nhưng vẫn phải đi học để có chứng chỉ tiếng dân tộc. Đôi khi học chỉ để có tấm bằng chứ không liên quan gì đến quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ!”.

Chưa một lần nhận những món quà vật chất

Dù đường tới trường lắm gian nan nhưng với những người thầy, người cô dạy học sinh dân tộc thiểu số, chẳng lý do gì có thể ngăn trở tình yêu họ dành cho những tâm hồn trong trẻo, những đứa trẻ mà hơn ai hết họ hiểu rằng, chúng cần thầy cô dạy dỗ đến nhường nào.

Cô giáo Lương Thị Hòa nhớ lại lúc mới ra trường dù phải chạy đi chạy lại quãng đường hơn 50 cây số làm thêm rất nhiều để mưu sinh bởi đồng lương giáo viên dạy nhạc không thể đủ sống. Gần 12 năm đã qua đi, quãng đường từ nhà đến trường vẫn vậy, tình yêu của cô giáo giờ đây đã ở tuổi 33 vẫn vẹn nguyên như thuở nào: “tôi quá yêu những ngôi trường xa xôi, quá yêu thương các em học sinh ở đó nên gắn bó, không thể rời xa. Nhiều người nói rằng, giáo viên mong đến ngày 20/11 để nhận quà nhưng bản thân tôi, chưa một lần được nhận những món quà vật chất. Tôi yêu điều đó, chính bản thân tôi cũng không bao giờ để con tôi mang phong bì đến tặng cô giáo. Nhiều phụ huynh cứ “làm hư” giáo viên rồi lại trách giáo viên!”.

 
 Các thầy cô nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kể về những bông hoa… nhựa mà ngày 20/11 những năm gần đây được nhận từ học trò, thầy Ksor Giêng tâm sự: “điều thầy trân quý nhất là học trò quý thầy, quý cô sau khi tốt nghiệp mấy năm vẫn còn nhớ, hỏi thăm, gửi lời chúc tới thầy. Tình cảm của các em rất dạt dào nên gắn bó với ngôi trường này với tôi đã trở thành niềm hạnh phúc!”.

Đại diện cho Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong đánh giá, không chỉ dạy, các thầy cô còn che chở, bảo ban, nâng niu, chăm sóc như những người cha, người mẹ của các em. Tất cả những gian khổ, hy sinh của các thầy giáo đã mang đến những thành quả ngọt ngào, được trả lại bằng tình yêu thương của các thế hệ học trò và các bậc phụ huynh học sinh; và lớn hơn là hình thành những công dân trẻ Việt Nam đủ tri thức, bản lĩnh, sáng tạo làm chủ đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Lắng nghe những tâm sự, những thành quả mà những người thầy trực tiếp giảng dạy cho học sinh là người dân tộc thiểu số đạt được tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương, ghi nhận những cố gắng, sự hy sinh và những thành tích mà các thầy, các cô.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cho rằng, các thầy cô đang làm một việc hết sức có ý nghĩa không chỉ cho các em học sinh dân tộc thiểu số mà còn cho tương lai các dân tộc, cho sự phát triển bình đẳng và bền vững của các dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ các chương trình hỗ trợ thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi biên giới, hải đảo; hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo có điều kiện thuận lợi hơn trong giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực