Ô nhiễm môi trường đất và những hệ lụy đối với sức khỏe cộng đồng

Thứ năm, 05/01/2017 17:47
(ĐCSVN) - Ô nhiễm đất đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, không chỉ tác động đến hệ sinh thái tự nhiên, sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Ảnh minh họa. (Ảnh: BL)

Ô nhiễm đe dọa sức khỏe cộng đồng

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm đất; thông qua sự xâm nhập của ô nhiễm đất vào tầng nước ngầm. Ô nhiễm kim loại nặng trong đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Asen là chất gây ung thư da, ung thư bàng quang, ung thư phổi; chì gây tác hại đến hệ thần kinh (đặc biệt là trẻ em), gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất.

Đặc biệt, tại một số làng nghề tái chế kim loại, mức độ phơi nhiễm của cộng đồng đã đến mức báo động. Các bãi tro xỉ thô của các nhà máy nhiệt điện hay các bãi thải sau khai thác của khu vực khai thác khoáng sản chứa một loạt kim loại nặng có hại như asen, chì, kẽm, nikel, đồng, mangan, cadmi, crom và selen. Đây là những nguồn gây ô nhiễm đất và là nguyên nhân của một loạt các bệnh có liên quan.

Cụ thể, báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, đã kết luận về mức độ nguy hiểm cho sức khỏe người dân tại thôn Đông Mai nằm trên địa bàn xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, hàng chục năm nay chuyên nghề tái chế chì. Tại địa phương này, từ những năm 70 của thế kỷ trước, người dân nơi đây đã chuyển sang thu mua ắc quy cũ hỏng về tháo dỡ để lấy chì. Họ đun nấu bằng dụng cụ thô sơ, bình ắc quy thải bỏ ngay trong khuôn viên gia đình. Khói từ những lò đun nấu phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến không khí, đất, nước và sức khỏe con người. Cuối năm 2014, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã xét nghiệm mẫu đất, nước, không khí, thực phẩm nuôi trồng trên đất tại thôn Đông Mai. Kết quả cho thấy nơi đây bị nhiễm độc chì rất nặng. Nước bề mặt tại các con kênh, rạch quanh làng có nồng độ chì cao gấp hàng nghìn lần so với tiêu chuẩn. Rau muống cũng nhiễm chì cao hơn tiêu chuẩn 1,3 lần. Thời điểm ấy thôn có 335 trẻ thì 317 em được lấy mẫu xét nghiệm chì. Kết quả cho thấy 207 cháu (65%) bị nhiễm độc chì, cần phải điều trị thải độc...

Cùng với đó, báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra rằng, một số vùng của nước ta vẫn chịu ảnh hưởng của các chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh (đặc biệt là dioxin) còn tồn lưu trong đất. Dioxin kể cả khi chỉ có hàm lượng rất nhỏ (một phần tỉ) cũng liên quan đến việc tàn phá sức khỏe con người một cách ghê gớm, có thể làm đoản thọ những người bị phơi nhiễm, và có khả năng làm đoản thọ cả con cái họ và những thế hệ kế tiếp trong tương lai. Chất độc màu da cam chiếm phần lớn trong tổng số chất diệt cỏ đã được phun rải. Ba điểm nóng nhất là sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát.

Người dân sống ở các điểm nóng dioxin có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với dioxin trong môi trường, đặc biệt là do tiêu thụ thực phẩm nguy cơ cao được nuôi trồng tại khu vực ô nhiễm. Các chất độc hóa học/dioxin thông qua chuỗi thức ăn (tích lũy trong nguồn nước dưới đất, thực vật, thủy sản) đi vào cơ thể con người và gây ra các bệnh về tim mạch, thần kinh, xương khớp, hô hấp, ung thư...

Cùng với ô nhiễm kim loại, dioxin, tình trạng ô nhiễm vi sinh cũng diễn ra trên các vùng đất canh tác nông nghiệp. Phân chuồng bón ra đồng ruộng không được ủ đúng kỹ thuật mà tưới trực tiếp có chứa rất nhiều các vi sinh (Coliform, E.coli, Clostridium perfingens, Streptococcus, Salmonella, Vibrio cho lera), ký sinh trùng (giun đũa) gây ô nhiễm đất và nông sản, đặc biệt là rau, củ, quả, gây độc cho người sử dụng. Bên cạnh đó, trẻ em nông thôn cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng do thói quen đi chân trần và vệ sinh cá nhân còn hạn chế.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý

Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm môi trường đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Ô nhiễm môi trường không còn là vấn đề của một quốc gia hay một khu vực mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Trong đó, có ô nhiễm môi trường đất, làm mất khả năng tự điều chỉnh của hệ sinh thái đất, đất trở nên cằn cỗi không thích hợp cho cây trồng, điều này sẽ ảnh hưởng đến các cơ thể sống khác trong lưới thức ăn. Hơn nữa sự tích tụ của các hóa chất độc hại, kim loại nặng trong đất sẽ làm tăng khả năng hấp thụ các nguyên tố có hại cho cây trồng, vật nuôi và gián tiếp gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu, mức độ ô nhiễm môi trường đất vào năm 2020 sẽ tăng lên từ 2-3 lần so với hiện tại và các chỉ số ô nhiễm sẽ tịnh tiến với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Nếu không có những giải pháp công nghệ và quản lý thì chất lượng môi trường đất sẽ bị suy giảm đến mức báo động và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Với nhận định trên có thể nhận thấy, việc phát triển kinh tế thường đi kèm với sự giảm sút chất lượng môi trường, vì hầu hết tất cả các ngành công nghiệp đều phát thải ít hay nhiều tùy đặc thù của ngành và tùy năng lực kiểm soát ô nhiễm của nhà máy. Nhiều quốc gia phát triển đã trải qua thời kỳ tập trung phát triển công nghiệp nặng và cũng đã gánh nhiều hậu quả của việc ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi giai đoạn này. Tuy nhiên từ bài học của các nước phát triển trên thế giới, chúng ta có thể làm tốt hơn ở khâu bảo vệ môi trường từ việc xử lý tại nguồn và kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ giai đoạn đầu của quá trình sản xuất… Đây chính là mục tiêu của sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp vào thành tựu đó có phần quan trọng của các khu công nghiệp (KCN), làng nghề. Tuy nhiên, việc phát triển các loại mô hình này đã phát sinh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đó là: tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai do tỉ lệ lấp đầy các KCN thấp; tình hình ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, chất thải nguy hại…Những ảnh hưởng này dẫn đến môi trường đất, nước, không khí ở một số thành phố lớn, KCN tập trung, khu dân cư đang bị ô nhiễm, suy thoái, tài nguyên khoáng sản cũng đang dần cạn kiệt.

Bởi vậy, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, KCN, cần có những giải pháp theo vùng, miền khác nhau. Đặc biệt là nhóm giải pháp cho hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn. Theo đó, thực hiện các tiêu chí môi trường như xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung, quy hoạch bãi chôn lấp rác, khu xử lý chất thải từ các hoạt động làng nghề..., đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, tổ chức hoạt động dịch vụ trong việc đầu tư các trang thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực