Phối hợp liên ngành ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam

Thứ hai, 14/12/2015 17:41
(ĐCSVN) - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo liên ngành triển khai trương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” giai đoạn 2015 - 2010 với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi nguy hiểm như: Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A(H7N9).

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao. Bên cạnh đó, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại, viêm não, than và một số bệnh dịch khác vẫn ghi nhận số mắc và tử vong hàng năm. Dịch cúm A(H5N1) đã được ngành y tế khống chế không để lây sang người nhưng vẫn thường xuyên ghi nhận sự bùng phát các ổ dịch trên đàn gia cầm. Bệnh sốt rét diễn biến phức tạp ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam; đặc biệt ghi nhận sự gia tăng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi sốt rét kháng hóa chất và nguy cơ cao bùng phát dịch tại một số tỉnh trọng điểm.

Quang cảnh Hội thảo ngày 14/12. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Trương Đình Bắc đánh giá, hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp. Các dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh, mới nổi có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn do giao thương đi lại gia tăng. Đồng thời, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành tại Việt Nam mặc dù có số mắc và tử vong giảm so với thời gian trước song vẫn ở mức cao và có sự gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên các điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội và môi trường đều thuận lợi cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm phát triển. Bên cạnh đó, nhận thức và thực hành về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao; tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ, mua bán và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người và bùng phát thành dịch lớn…

Theo Phó Cục trưởng Trương Đình Bắc, phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả phụ thuộc rất lớn và hành vi cụ thể của mỗi người dân và cộng đồng, sự quan tâm vào cuộc thực sự của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Vì vậy, Bộ Y tế đã có Quyết định về việc ban hành chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” giai đoạn 2015 – 2020. Chương trình nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội chủ động tham gia đầy đủ, có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của chương trình là 100% các xã, phường, khu dân cư có kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh”; 80% các hộ gia đình chủ động tham gia thực hiện tốt các khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng; trên 95% trường học thực hiện tốt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục; trên 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, tổ chức trên địa bàn có kế hoạch, chủ động triển khai các hoạt động thuộc chương trình...

Chương trình sẽ tập trung vào các nội dung như: Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tổ chức ngày vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh định kỳ hàng tuần; vận động các cơ sở kinh doanh, các hộ gia đình ký cam kết không vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc...

Tại hội thảo, đại diện Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, để công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành y tế trong hoạt động truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhà trường  nhằm nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh. Đồng thời, Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học về phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng trong trường học; giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm dịch, bệnh và các hoạt động phối hợp triển khai công tác tiêm chủng trong trường học…

Đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trong cộng đồng; tăng cường năng lực cán bộ phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương; xây dựng các mô hình điểm về giám sát bệnh lây truyền từ động vật sang người; đồng thời có chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực