Phòng chống dịch bệnh cho trẻ em

Thứ tư, 20/08/2014 17:12

Tỉnh Hưng Yên đang triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng với mục tiêu hoàn thành 95% số trẻ trong em từ 1 đến 14 tuổi được tiêm chủng.

Chiến dịch tiêm chủng sẽ được chia làm 3 đợt. Theo đó, đợt 1 trẻ từ 01-05 tuổi, triển khai từ tháng 10-11/2014, đợt 2, trẻ từ 6 đến 10 tuổi thực hiện từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2015, đợt 3, cho trẻ từ 11 -14 tuổi được triển khai từ tháng 2- 3/2015.

Các trạm y tế xã, phường, thị trấn đang phối hợp với nhà trường điều tra số trẻ tại trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; điều tra ngoài cộng đồng, lập danh sách trẻ em không đi học trong độ tuổi tiêm chủng với yêu cầu không bỏ sót đối tượng.

Được biết 100% vắc xin, vật tư tiêm chủng do Trung ương hỗ trợ; gần 1,6 tỷ đồng sẽ được cấp cho hoạt động tập huấn chuyên môn cán bộ tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; điều tra đối tượng tiêm; chi trả công tiêm và các hoạt động giám sát.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm đến nay đã có 10/10 huyện thành phố phát hiện gần 900 trẻ sốt phát ban dạng sởi. Hầu hết các trường hợp mắc sởi này xảy ra ở đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc mới chỉ được tiêm 1 lần trong những năm trước đây.

* Theo ngành y tế tỉnh Hậu Giang, qua ghi nhận số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã có nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, nằm điều trị nội trú nhiều ngày dẫn đến quá tải nhiều cơ sở y tế.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 100 ca sốt xuất huyết, và hơn 560 ca tay chân miệng. Cả 2 loại bệnh trên điều tăng so với cùng kỳ, đặc biệt tăng nhanh trong những ngày gần đây. Cùng với đó, bệnh sốt phát ban ghi nhận gần 300 ca, đã có hơn 30 ca dương tính với bệnh sởi. Ngoài ra, các loại bệnh giao mùa ở trẻ cũng đang tăng nhanh, như nóng, sốt phát ban, thương hàn, tiêu chảy…, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong do bệnh trên nhưng gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, tiền bạc, công sức, cuộc sống của các bậc cha mẹ.

Trước tình hình dịch bệnh gia tăng đã gây không ít khó khăn cho công tác thăm khám, điều trị của ngành y tế. Có nhiều trung tâm y tế, tuyến y tế cơ sở xảy ra tình trạng quá tải, thiếu giường bệnh lưu trú, y, bác sĩ chuyên khoa cục bộ… Đặc biệt, điều lo lắng hiện nay, Hậu Giang đang bước vào cao điểm mùa mưa, mùa lũ về, tình trạng ngập úng, môi trường ẩm thấp, ăn ở mất vệ sinh…là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bùng phát và lây lan nhanh. Hơn nữa, hiện còn một bộ phần không nhỏ người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức kém, thiếu ý thức trong phòng bệnh, chăm sóc trẻ em chưa tốt…

Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phun thuốc sát trùng; vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, phát hoang bụi rậm, khai thông cống rãnh, ao tù ứ đọng nước nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, đối với bệnh tay chân miệng, những người chăm sóc trẻ phải rửa ta trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, và rửa tay sau khi đi vệ sinh. Các bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi này khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt, nổi các mụn nước dưới lòng bàn tay, bàn chân, ở mông, ở gối thì sớm đưa đi đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực