Sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh

Thứ ba, 19/11/2019 21:56
(ĐCSVN) - Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm

Tác phẩm “Vợ Nhặt” được sân khấu hóa trong chương trình ngoại khóa tại trường THPT Phú Xuyên A. (Ảnh: QĐ)

Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh, những năm gần đây, các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo hình thức “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” đã quen thuộc đối với học sinh trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội). Ngữ văn là bộ môn mang đến cho học sinh nhiều kiến thức, giúp các em bồi đắp tình cảm tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng. Để tạo hứng thú cho học sinh với môn học này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường THPT Phú Xuyên A đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh các khối lớp tổ chức sân khấu hóa các tác phẩm mà các em đã học. Tham gia hoạt động này, học sinh của từng lớp được lựa chọn những tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình giảng dạy để nghiên cứu, chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa. Thông qua hình thức trình diễn, các tác phẩm văn học dường như sống động và hấp dẫn hơn so với những giờ giảng trên lớp. Các em học sinh được dành thời gian nghiên cứu về đặc điểm, tính cách nhân vật, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học. Cô giáo Vũ Thị Nhàn, giáo viên trường THPT Phú Xuyên A cho biết: “Đây là một hình thức mới trong thực hiện định hướng dạy học phát triển năng lực của học sinh. Thông qua hình thức sân khấu hóa đã đưa những tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học đến gần hơn với các em học sinh; giúp các em có thể đồng sáng tạo với nhà văn và tạo ra sân chơi bổ ích cho các em học sinh; làm cho những tiết học văn thú vị, hấp dẫn hơn rất nhiều”.

Tại trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu đã được thực hiện có nề nếp, hiệu quả. Hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như Chí Phèo, Vợ Nhặt, Nỗi oan Thị Mầu, Số Đỏ... đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động. Trực tiếp vào vai Thị Mầu trong tiểu phẩm "Thị Mầu ngoại truyện" bạn Tưởng Thùy Giang, học sinh lớp 12D5, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ cảm nhận của mình: “Theo em, sân khấu hóa các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học là một cách học hay, lôi cuốn người học. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học, chúng em tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng”.

 
Bạn Tưởng Thùy Giang (thứ 2, trái sang) và các bạn học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn
 trong chương trình ngoại khóa sân khấu hóa tác phẩm văn học. (Ảnh: QĐ)

Thay vì cho học sinh đọc tác phẩm ngữ văn, thảo luận, trao đổi..., các thầy cô giáo tại nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện cho học sinh được học tập theo từng nhóm, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để “hóa thân” vào nhân vật trong các tác phẩm thuộc chương trình giảng dạy. Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Ngoài ra học sinh còn được tự mình sáng tạo trong cách diễn xuất làm sao để diễn tả được sâu sắc tính cách, nội tâm của nhân vật mình đóng vai. Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kĩ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học ngoại khóa theo hình thức sân khấu đã thực sự tạo được hứng thú cho đại đa số học sinh để các em học tập có hiệu quả. Phương pháp học này cũng góp phần xây dựng ở các bạn học sinh thói quen đọc sách đề hiểu tác phẩm nhiều hơn.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy môn Ngữ văn, Thạc sỹ Phạm Hà Thanh, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn nhìn nhận: “Văn học là nhân học; không có phương pháp chung nhất cho mọi giáo viên dạy môn Ngữ văn. Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm; giúp các em hiểu được các thông điệp mà tác giả, tác phẩm muốn chuyển tải. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện để học sinh phát huy vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn, bó buộc bởi những nội dung trong bài giảng của giáo viên. Khi các em được thể hiện quan điểm của mình và được công nhận sẽ giúp cho các em thêm tự tin và hứng thú trong các giờ học”.

Phương pháp sân khấu hóa tác phẩm văn học đã và đang thu được những kết quả tích cực bước đầu. (Ảnh: QĐ)

Tìm hiểu được biết, để việc “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” có hiệu quả thiết thực, nhiều cơ sở giáo dục đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên Ngữ văn. Các thầy cô đóng vai trò cốt lõi trong xác định mục đích, nội dung và phương pháp đọc hiểu tác phẩm; xác định cách thức sân khấu hóa (kịch, hát, múa); lựa chọn tác phẩm, xác định phân đoạn và nhân vật rồi dự kiến kế hoạch. Việc lựa chọn tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học để đưa lên sân khấu cần có sự chọn lọc để bảo đảm tính giáo dục, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh; và nhất là  hạn chế những tình huống “nhạy cảm”, những chi tiết có nguy cơ hiểu lệch lạc, hiểu không đúng... Sau khi được phê duyệt, giáo viên cùng học trò tổ chức thực hiện trên cơ sở thực tế của lớp, chọn cách làm phù hợp, tránh lãng phí thời gian, công sức, chi phí. Tổ chức các buổi học ngoại khóa sân khấu hóa tác phẩm ngữ văn cũng được thực hiện có chọn lọc, tránh làm theo phong trào, dàn trải.

Thực tế cho thấy, quá trình nhập vai vào nhân vật, các em học sinh cũng gặp không ít khó khăn, đôi khi còn có sự mâu thuẫn giữa tính cách của học sinh với tính cách của nhân vật; điều này thường làm cho các em không hiểu hết được đặc điểm của nhân vật. Khi đó, học sinh sẽ trao đổi, thảo luận với giáo viên. Quá trình này cũng giúp các em hiểu rõ hơn về nhân vật của mình tái hiện, đây cũng là một lần khắc sâu kiến thức rất hiệu quả. Cùng với đó, phương pháp “sân khấu hóa tác phẩm văn học” cũng làm tăng tính đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Các em biết tự phân công nhiệm vụ, có trách nhiệm với mỗi phần việc được giao; từ đó hình thành thói quen làm việc theo nhóm.

Phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, phương pháp “sân khấu hóa tác phẩm văn học” trong hoạt động ngoại khóa tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đang thu được những kết quả tích cực. Nếu được nghiên cứu, nhân rộng, đây sẽ là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Đồng thời góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng các em học sinh đến những giá trị chân thiện mỹ./.

Bài, ảnh: Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực