Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 3/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.
Bên cạnh mặt tốt, việc triển khai dạy học trực tuyến cũng còn hạn chế cần khắc phục để đảm bảo môi trường học an toàn cho học sinh.
Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị đưa 6 phần việc vào chương trình hành động để thực hiện một cách bài bản thường xuyên cho hoạt động dạy học trực tuyến.
Nội dung thứ nhất, Bộ trưởng đề nghị cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), trong đó gồm có máy chủ, đường truyền, phần mềm, các thiết bị kết nối đầu cuối và hệ thống an toàn an ninh mạng cho thầy cô trong quá trình giảng dạy.
|
Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là
giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: TL
|
Nội dung thứ hai là việc xây dựng kho học liệu số ngành GD, từ chương trình, sách giáo khoa, bài giảng, các tài liệu số, phần mềm mô phỏng. Đây là GD suốt đời, nhiều người lớn cũng có thể tham gia vào học tập thông qua nguồn học liệu này.
Nội dung thứ ba là tăng cường tập huấn đối với giáo viên. Bộ trưởng cho rằng dạy trực tuyến phải trở thành một nghề, có phương pháp sư phạm chứ không phải cứ đơn giản biết công nghệ là dạy được. Do vậy, các đồng chí giám đốc Sở phải có chương trình, có những bài giảng hướng dẫn các phương pháp sư phạm để dạy trực tuyến để có hiệu quả.
Nội dung thứ tư nâng cao tính tự giác và kĩ năng sử dụng mạng cho học sinh. Đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng để phòng tránh tác động không mong muốn, tác động xấu khi tham gia vào môi trường mạng.
Nội dung thứ năm là nhiệm vụ của các nhà trường. Tới đây, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp tiếp tục được thực hiện. Những tiết giờ nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô không tham gia vào chuyển đổi số hoặc có hành vi vượt quá giới hạn.
Nội dung thứ sáu là nhóm nhiệm vụ của bộ, sở, phòng. Căn cứ vào yêu cầu của chương trình nội dung môn học, thực tiễn triển khai, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng.
Bộ trưởng cũng đề cập đến vấn đề thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến. Theo đó, việc thu học phí phải rõ ràng, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất.
Đặc biệt, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu có chuẩn kết nối để thông suốt từ phòng GD&ĐT đến sở, đến bộ.
Đối với đại học, cần tăng cường các hình thức đào tạo từ xa, khuyến khích các trường đại học dạy học trực tuyến.../.