Số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng

Thứ tư, 10/01/2024 12:23
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, những tuần gần đây, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng, tuy nhiên chưa ghi nhận các chủng vi rút có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây không phải là bất thường. Vì thời tiết hiện nay đang vào thời điểm giao mùa đông - xuân, lúc lạnh, lúc nóng đột ngột, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng vi rút gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương... số ca mắc cúm gia tăng trong thời gian gần đây. Điển hình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 1 trường hợp biến chứng nặng, tổn thương phổi, thậm chí, phổi "trắng xóa" sau khi mắc cúm A.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100 - 150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị.

Khám và điều trị cho trẻ mắc cúm A tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia y tế, có 2 đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao.

Liên quan đến việc người dân tự ý mua thuốc tamiflu để uống khi mắc cúm, các chuyên gia y tế lưu ý, việc này không cần thiết, thậm chí nếu uống không đúng cách sẽ gây hiện tượng kháng thuốc.

Thuốc tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp như: tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi…

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết./.

Hà Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực