Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất (47), Hoàng Mai (31), Bắc Từ Liêm (29), Thanh Trì (16), Phú Xuyên (15), Thường Tín (14), Cầu Giấy (13), Hà Đông (12), Hoài Đức (12), Nam Từ Liêm (10), Đan Phượng (10).
Tuần qua cũng ghi nhận 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, trong đó đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch, tiếp đến là Nam Từ Liêm (3), Bắc Từ Liêm (3), Đan Phượng (2); còn lại Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức mỗi địa phương có 1 ổ dịch.
Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn.
|
Phun thuốc diệt muỗi tại Hà Nội. (Ảnh: CDC Hà Nội) |
Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện cả thành phố còn 27 ổ dịch, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (160); thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (24); xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (29); phường Chương Dương - quận Hoàn Kiếm (11); thôn Xuân La - xã Phượng Dực - huyện Phú Xuyên (9).
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.
Theo các chuyên gia dịch tễ, do thời tiết diễn biến mưa, nắng thất thường, những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4 - 5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch như trước mà dịch “nóng” lên hằng năm. Dự báo năm 2023, do hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều nên số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ gia tăng.
Khí hậu “nắng lắm, mưa nhiều” tạo thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom, người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Qua kiểm tra thực tế một số địa phương cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, như ở khu vực ngoại thành, các hộ gia đình vườn rộng, nhiều phế thải, phế liệu và các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, bể nước mưa có bọ gậy... Ở khu vực nội thành, mật độ dân cư cao, người dân dù được tuyên truyền nhưng vẫn thờ ơ, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đơn giản như phòng tránh muỗi đốt.
Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt kết quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế cần sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, thay đổi hành vi chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe bản thân ngay tại gia đình bằng những việc làm rất đơn giản hằng ngày như: loại bỏ các vật dụng chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy; chủ động phòng chống muỗi đốt. Đối với các hộ gia đình có bãi đất trống với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng yêu cầu dọn dẹp xử lý môi trường ngay…/.