Số F0,F1 gia tăng trong các cơ sở giáo dục, nhà trường cần linh hoạt học

Thứ hai, 28/02/2022 21:37
(ĐCSVN) - “Số ca F0, F1 gia tăng không chỉ ở học sinh mà còn ở cả giáo viên và nhân viên của các cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức dạy học trực tiếp. Nhà trường phải linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tiếp cũng như trực tuyến để đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn cũng như chất lượng dạy và học được tốt nhất”.
Ngành giáo dục rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của y tế cơ sở không chỉ nơi trường trú đóng mà còn nơi học sinh cư ngụ và sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh để đảm bảo an toàn khi các em tới trường học trực tiếp.

Đó là chia sẻ của ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục-Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong buổi họp báo chiều 28/2 nhằm cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và các vấn đề dư luận quan tâm.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, hiện nay, số ca mắc, nghi mắc và số ca tiếp xúc gần (F1) đang có chiều hướng gia tăng gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch cũng như thực hiện công tác dạy và học trực tiếp. Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo quy định mới của UBND TP Hồ Chí Minh cũng như hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế, ngành giáo dục rất mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của y tế cơ sở không chỉ nơi trường trú đóng mà còn nơi học sinh cư ngụ và sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

Ông Trọng cũng cho biết thêm, hiện ngành giáo dục và ngành y tế đang tăng cường các biện pháp phối hợp để kịp thời ghi nhận thực tế, tổ chức thực hiện biện pháp phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục để có những hướng dẫn, điều chỉnh cũng như có những chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời.

Giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc sau điều trị, trẻ cần những giấy tờ gì để quay lại trường học, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, khi có con em trở thành F0, phụ huynh có thể cho các em nhập viện nếu có triệu chứng nặng hoặc trung bình. Trẻ có triệu chứng nhẹ có thể chăm sóc, điều trị tại nhà.

“Đối với các em phải nhập viện, khi xuất viện sẽ có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Còn các trẻ điều trị tại nhà, phụ huynh cần báo ngay cho trạm y tế địa phương để thực hiện xét nghiệm vào ngày 5 và ngày 7, cấp giấy xác nhận sau thời gian cách ly hoặc điều trị. Đó là những điều kiện để các em quay lại trường”, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ ngày 13/2 đến 26/2, thành phố ghi nhận 505 ca mắc COVID-19 trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi; 1.055 ca trong độ tuổi từ 7-11 tuổi; 587 ca trong độ tuổi 12-15 tuổi và 512 ca trong độ tuổi 16-18 tuổi. Hiện, Thành phố có 197 trẻ mắc COVID-19 cần điều trị nội trú, 6 ca cần thở bằng mặt nạ oxy, 3 trẻ cần thở máy./.

 

 

 

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực