|
Thế giới đã có hơn 8 triệu người chết do ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch
(Ảnh minh họa: thethaovietnam.vn/) |
Thế giới đã có hơn 8 triệu người chết do ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2018, cao hơn đáng kể so với tính toán của nghiên cứu trước đây, điều này có nghĩa ô nhiễm không khí từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như than và dầu diesel đã gây ra 1 trong 5 ca tử vong trên toàn cầu, theo nghiên cứu của Đại học Harvard phối hợp thực hiện cùng Đại học Birmingham, Đại học Leicester và Đại học London được công bố hôm nay (9/2).
Các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao do nhiên liệu hóa thạch – bao gồm Đông Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á – chính là những nơi có tỉ lệ tử vong cao nhất, nghiên cứu chỉ ra trong bài công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường (Environmental Research).
Nghiên cứu này nâng đáng kể ước tính số người tử vong do ô nhiễm không khí. So với nghiên cứu gần đây nhất về Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, là nghiên cứu lớn nhất và tổng quan nhất về các nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới, tổng số ca tử vong toàn cầu do các hạt vật chất ngoài không khí – kể cả khói bụi từ cháy rừng và canh tác nông nghiệp – chỉ là 4.2 triệu ca.
Từ đâu nhóm nghiên cứu của các trường đại học có thể đi đến con số tử vong cao như vậy – đến 8.7 triệu ca trong năm 2018 – do riêng nhiên liệu hóa thạch gây ra?
Các nghiên cứu trước đó dựa vào các quan sát hình ảnh vệ tinh và bề mặt Trái Đất để ước tính mật độ trung bình các hạt vật chất trong không khí, hay còn gọi là PM2.5. Vấn đề là, quan sát hình ảnh vệ tinh và bề mặt không thể xác định sự khác biệt giữa các hạt từ khí thải nhiên liệu hóa thạch với các hạt từ bụi, khói từ cháy rừng hay từ các nguồn khác.
“Với hình ảnh từ vệ tinh, bạn chỉ có thể thấy được một phần của toàn bộ bài toán” bà Loretta J. Mickley, Nghiên cứu viên cao cấp về Tương tác Hóa học-Khí hậu tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Harvard John A. Paulson (SEAS) và là đồng tác giả của nghiên cứu nói. “Rất khó để các vệ tinh có thể phân biệt được các loại hạt bụi, và từ đó có thể dẫn đến những lỗ hổng trong dữ liệu.”
Để khắc phục thách thức này, các nhà nghiên cứu Đại học Harvard đã chuyển sang sử dụng phần mềm GEOS-Chem, một mô hình 3-D toàn cầu về hóa học khí quyển tại SEAS, do Daniel Jacob, Giáo sư Hóa học khí quyển và Kỹ thuật Môi trường của Vasco McCoy Family dẫn đầu. Các nghiên cứu trước đây đã sử dụng GEOS-Chem để mô hình hóa các tác động tới sức khỏe của các hạt vật chất và kết quả của nó đã được kiểm chứng đối chiếu với các quan sát bề mặt, quan sát từ máy bay và từ không gian trên khắp thế giới.
Đối với mô hình toàn cầu, GEOS-Chem có độ phân giải không gian cao, nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể chia địa cầu thành một mạng lưới với các ô nhỏ 50x60 km và xem xét các mức độ ô nhiễm trong từng ô riêng lẻ.
“Thay vì dựa vào các mức độ trung bình bao phủ trên những khu vực lớn, chúng tôi muốn có một tấm bản đồ chỉ chính xác nơi bị ô nhiễm và nơi người dân sinh sống, để từ đó có thể biết chính xác hơn về dạng không khí mọi người đang hít thở,” Karn Vohra, sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Birmingham và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết. Vohra đã nhận được chỉ dẫn và tư vấn từ đồng tác giả Eloise Marais, một cựu nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Harvard, hiện là Phó Giáo sư tại Khoa Địa lý tại UCL.
Để lập mô hình PM2.5 sinh ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, các nhà nghiên cứu đã áp dụng kết quả ước tính lượng khí thải của GEOS-Chem từ nhiều ngành bao gồm, năng lượng, công nghiệp, tàu thủy, vận tải hàng không và đường bộ cũng như đã mô phỏng chi tiết hoá học bụi khí oxy hoá do các hiện tượng khí tượng thúc đẩy từ dữ liệu của Cơ quan Mô hình hóa và Đồng hóa Toàn cầu NASA.
Một khi họ đã có số liệu mật độ PM2.5 từ nhiên liệu hóa thạch cho mỗi ô lưới, các nhà nghiên cứu cần tìm ra mức độ ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe con người. Trong nhiều thập kỷ, người ta biết rằng các vi hạt trong không khí là mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng có rất ít nghiên cứu dịch tễ để xác định các tác động đến sức khỏe với mức độ phơi nhiễm rất cao ở những nơi như Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Nghiên cứu trước đây đã dựa vào nghiên cứu về các rủi ro sức khỏe của việc hút thuốc thụ động trong nhà để ước tính rủi ro của PM2.5 ngoài trời ở mức cao này. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới tại châu Á cho thấy rằng cách tiếp cận này đã đánh giá chưa đẩy đủ mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí bên ngoài ở mật độ cao.
Đồng tác giả Alina Vodonos và Joel Schwartz, Giáo sư Dịch tễ học Môi trường tại Trường Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan (HSPH), đã phát triển một mô hình đánh giá rủi ro mới về mối liên kết giữa mật độ các hạt từ khí thải nhiên liệu hóa thạch với sức khỏe.
Mô hình mới này cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn khi tiếp xúc lâu dài với khí thải nhiên liệu hóa thạch, kể cả ở mật độ thấp hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trên toàn cầu, tỷ lệ tiếp xúc với hạt vật chất từ khí thải nhiên liệu hóa thạch chiếm 21,5% tổng số ca tử vong trong năm 2012, giảm xuống còn 18 % trong năm 2018 do các biện pháp thắt chặt quản lý chất lượng không khí ở Trung Quốc.
Ông Schwartz cho biết: “Thông thường, khi chúng ta thảo luận về các nguy cơ của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, thì đó là trong bối cảnh ta nói về CO2, biến đổi khí hậu, mà chúng ta bỏ qua tác động tiềm ẩn đến sức khỏe của các chất ô nhiễm đồng phát thải với khí nhà kính". Ông nói thêm “Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách xác định được hậu quả sức khỏe của việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, chúng tôi có thể gửi một thông điệp rõ ràng đến các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về lợi ích của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế.”
Bà Marais nói: “Nghiên cứu của chúng tôi giúp bổ sung thêm bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe trên phạm vi toàn cầu.” “Chúng ta không thể cảm thấy vô tội khi cứ tiếp tục lạm dụng nhiên liệu hóa thạch dù biết rõ những ảnh hưởng sức khỏe rằng chúng gây ra trong khi có các dạng năng lượng thay thế an toàn hơn, sạch sẽ hơn.”