Sốc phản vệ là hiện tượng phản ứng dị ứng rất nhanh cần phải chú ý

Thứ ba, 06/07/2021 22:22
(ĐCSVN) - Tùy theo cơ địa mỗi người, bất cứ thuốc hoặc yếu tố lạ nào cũng có nguy cơ gây sốc phản vệ. Việc tiêm vắc xin COVID-19 cũng có thể xảy ra sốc phản vệ, tuy nhiên là trường hợp hiếm gặp. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng này đã được báo cáo, nhưng trong tất cả các trường hợp đó, mọi người đã điều trị thành công.

Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin COVID-19 an toàn và tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Vắc xin COVID-19 cũng như các loại vắc xin phòng ngừa khác, tác dụng phụ kèm theo thường xảy ra sau khi tiêm là những phản ứng thông thường của cơ thể. 

Một số hiện tượng sốc phản vệ xảy ra sau tiêm vắc xin là trường hợp cực kỳ hiếm gặp.
(Ảnh HC) 

Một số người sau khi tiêm vắc xin COVID-19, xuất hiện phản ứng thông thường liên quan đến phản ứng tại vị trí tiêm và các triệu chứng “giả cúm” như đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ, nhịp tim nhanh...Các tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, nhưng sẽ biến mất sau vài ngày.

Một số hiện tượng sốc phản vệ xảy ra sau tiêm vắc xin là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, bất kỳ ai bị phản ứng phản vệ đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cảnh báo, những người bị sốc phản vệ sau lần tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên không nên tiêm liều thứ hai.

Theo Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock (Đại học Sydney), tỷ lệ sốc phản vệ với vắc xin AstraZeneca trên thế giới vào khoảng 60 trên 1 triệu mũi tiêm. Sốc phản vệ xảy ra đột ngột, có thể đe dọa tính mạng nhưng có thể phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và xử trí đúng. Với vắc xin, sốc phản vệ thường xuất hiện trong 30 phút đầu sau tiêm, cũng có thể muộn hơn dù hiếm gặp.

Các triệu chứng sốc phản vệ được cảnh báo qua một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Nhẹ: Ngứa, nổi mề đay, sưng quanh mắt, hốt hoảng, rét run, nhức đầu, phù mạch nhanh.

Trung bình: Vã mồ hôi, cảm giác nghẹt thở hoặc khó thở, thở khò khè, buồn nôn và nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, chóng mặt.

Nặng: Tím tái, mạch nhanh yếu, hạ huyết áp, rốt loại ý thức, co giật, ngất.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, biến chứng nghiêm trọng do vaccine gây ra là cực kỳ hiếm gặp, trong khi đó lợi ích do vaccine và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. Khi gặp các phản ứng phản vệ, người tiêm vắc xin cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, xử trí và điều trị kịp thời.

Quy trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn mức cao nhất, tiến bộ và khắt khe. Các cơ sở tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đều được đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Thực hiện nghiêm túc công tác khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người tiêm vắc xin phải ở lại ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng để theo dõi các phản ứng sau tiêm, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các biến chứng sau tiêm vaccine COVID-19 sớm và nặng, như phản ứng phản vệ. Trong trường hợp đã về nhà, người tiêm chủng sẽ được hướng dẫn theo dõi các phản ứng tại nhà từ 24-48 giờ.

Hãy thông báo ngay lập tức cho nhân viên y tế khi bạn có các dấu hiệu trên sau khi tiêm vắc xin. Các cơ sở y tế luôn trong tư thế sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu, lường trước các trường hợp biến chứng sau tiêm vắc xin COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm./. 

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực