Sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao

Chủ nhật, 05/02/2023 21:36
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) số ca mắc sốt xuất huyết ở tuần thứ 4/2023 trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm so với các tuần trước đó, tuy nhiên so với những năm trước, con số này vẫn đang ở mức cao.

 Ảnh minh họa (nguồn: Bộ Y tế)

Cụ thể, tuần 4 (từ ngày 23/1/2023 đến 29/1/2023), số ca mắc sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 400 trường hợp mắc bệnh, tăng khoảng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, giảm 47% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 51% và ngoại trú giảm 43%. Đặc biệt, trong tuần 4, không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Có 22/22 quận huyện có số ca giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước; có 4/312 phường xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động: Phường 12 (Quận 11); Phường 6 (Quận 10); Phường 13 (Quận 8); Phường 7 (Quận 6).

Cũng theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần 4, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 43 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 33,3% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh giảm nhiều hơn ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và giảm ở các trường hợp khám ngoại trú.

Về thống kê các ổ dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng, trong tuần 4 toàn thành phố ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 17 phường, xã thuộc 5/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 44 ổ dịch và không có phường, xã nào xử lý ổ dịch diện rộng.

Có tổng cộng 57 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 31 phường, xã thuộc 8/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Sốt xuất huyết là bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.

Về khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, do đó, để chủ động phòng chống, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực