Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần
Tham luận tại Hội thảo, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Phục hồi chức năng và giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, vấn đề rối loạn tâm thần là rất phổ biến trên toàn thế giới. Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị. Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát liên quan vấn đề tâm thần. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.
|
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thế Dương) |
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần (SKTT) toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn và dài hạn và phá hủy SKTT của hàng triệu người. Vào năm 2020, số người sống chung với rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch COVID-19: ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề SKTT.
"Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc SKTT chính thức" - Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị nói.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt. Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu: 5,3%, ma tuý (0,3%)...
Ở trẻ em, các vấn đề SKTT vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ SKTT.
"Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Vì vậy chúng ta không nên có sự kỳ thị đối với người rối loạn tâm thần" - Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị chia sẻ.
Hầu hết người bệnh tâm thần không được phát hiện sớm
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị cho rằng, phòng ngừa và nâng cao SKTT chủ yếu là trách nhiệm của chính mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương và các tổ chức xã hội, thông qua các giải pháp như nâng cao nhận thức, thực hiện các hành vi lành mạnh ở mỗi cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, dự phòng và xử lý tốt các thiên tai, thảm họa…
Khi đã mắc rối loạn tâm thần thì trách nhiệm chủ yếu của y tế và xã hội. Theo ông, chữa trị rối loạn tâm thần nhẹ, chiếm đa số, bằng các giải pháp không dùng thuốc như giáo dục, tư vấn tâm lý. Bệnh nặng hơn thì phải kết hợp dùng thuốc và các giải pháp khác như phục hồi chức năng, hoạt động trị liệu, nghề trị liệu, hỗ trợ xã hội…
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị nhấn mạnh, mặc dù có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả nhưng điều đáng buồn là hầu hết người bệnh tâm thần trên thế giới không được phát hiện sớm, quản lý điều trị hiệu quả về y tế và xã hội do việc tiếp cận với các trị liệu còn hạn chế.
"Ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc SKTT nghĩa là chủ yếu có ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Các trạm y tế xã phường chủ yếu thực hiện khám bệnh, kê đơn điều trị theo các chỉ định của tuyến trên. Hơn thế nữa trị liệu chủ yếu là dùng thuốc. Tâm lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc chưa được phát triển đầy đủ"- Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị phát biểu.
|
Các đại biểu dự Hội thảo (Ảnh: Thế Dương) |
Dịch bệnh CODID-19 xảy ra, cùng với tổn thất về sức khỏe thể chất, chúng ta đã thấy người dân và kể cả cán bộ y tế phải chịu đựng những vấn đề về SKTT rất lớn như trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên chúng ta chưa làm được nhiều để giảm bớt gánh nặng này. Qua đây càng thấy rõ nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc SKTT, nhất là lồng ghép chăm sóc SKTT vào các cơ sở đa khoa, chuyên khoa khác, lồng ghép vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Đồng thời cần phát triển tâm lý trị liệu và các giải pháp không dùng thuốc khác. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị, hiện nay ngành y tế đang tập trung giải quyết vấn đề này.
Vẫn theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị, việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng được triển khai thực hiện rất hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc người tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần được thực hiện đúng quy trình trợ giúp theo các bước tiếp nhận thông tin, đánh giá nhu cầu trợ giúp của đối tượng; tổ chức sàng lọc và phân loại đối tượng; đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, xây dựng và thực hiện kế hoạch trợ giúp; phân tích, đánh giá sự tiến triển của đối tượng. Người bệnh tâm thần nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được đảm bảo các tiêu chí về y tế, vệ sinh, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa, vui chơi giải trí, môi trường xã hội và quyền lợi theo quy định.
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị cho rằng, các dịch vụ chăm sóc phục hồi chức năng chưa được thực hiện thường xuyên, chất lượng chưa cao do thiếu đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ cộng đồng và thiếu kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và trẻ tự kỷ. Các bệnh viện tâm thần chủ yếu nuôi dưỡng, quản lý người bệnh không bỏ trốn... Việc phục hồi chức năng chưa đầy đủ, việc tập huấn các kỹ năng tự chăm sóc, tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho bản thân cho người tâm tâm thần và người nhà chưa được thực hiện thường xuyên.
Hơn nữa, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng hiện nay mới chỉ tập trung vào tâm thần phân liệt, động kinh với điều trị bằng hóa dược là chủ yếu; chưa quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội, phục hồi chức năng cho người bệnh. Một số đối tượng, như trẻ em, phụ nữ, người già chưa được quan tâm đúng mức. Trong các kế hoạch của ngành y tế về phòng, chống thiên tai, thảm họa, chưa đề cập đến các dự phòng và can thiệp về sức khỏe tâm thần sau thiên tai, thảm họa. Sự tham gia, hỗ trợ của tuyến huyện, đặc biệt là bệnh viện huyện về chăm sóc SKTT đối với tuyến xã rất hạn chế, góp phần làm tăng khoảng trống điều trị cho rối loạn tâm thần.
Trao đổi về giải pháp định hướng để triển khai thực hiện chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Nghị đề cập đến một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành; Tăng cường truyền thông và vận động xã hội; Duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng; Đảm bảo nguồn nhân lực; Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng; Thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.../.