Tấm lòng của một thầy thuốc nông dân

Thứ ba, 17/04/2012 17:22

Thầy thuốc Võ Văn Tâm được nhiều người dân vùng Hóc Môn quý mến và trân trọng. Xuất thân từ nông dân, là một thương binh nhưng hơn 25 năm nay, anh bốc thuốc, điều trị bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân, nhất là dân nghèo.

 

 Thầy Tâm đang bó thuốc cho một người bệnh.

Thầy thuốc Võ Văn Tâm mà người dân quen gọi là anh Hai On sống ở ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Hai On sinh ra trong một gia đình có đến bảy anh, em. Tuổi thơ của anh gắn với ruộng đồng và là lao động chính trong nhà.

Năm 1980, anh xung phong gia nhập quân đội, cầm súng bảo vệ biên giới Tổ quốc. Trong một lần hành quân, chạm địch, anh bị thương nặng khiến vùng mặt bị biến dạng, chân trái bị găm nhiều mảnh bom. Hai On tâm sự: “Đây cũng là quãng thời gian đáng nhớ nhất của tôi trong những ngày cầm súng chiến đấu vì lúc nghiến răng chịu đau vì vết thương hành hạ cũng là thời gian tôi học được nhiều bài thuốc nam rất quý từ các thầy lang của nước bạn”.

Câu chuyện học làm thầy thuốc của anh nông dân ngày nào cứ diễn ra âm thầm sau những buổi vào bản xem các thầy lang bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Mỗi lần xem, anh lại cố nhớ những phương thức bốc thuốc, các vị thuốc mà thầy lang thực hiện. Mấy năm gắn bó với rừng nên anh cũng khá “quen mặt” nhiều vị thuốc trong đó. Hễ có thời gian, anh lại vào rừng tìm hiểu về những cây thuốc đã học được. Anh Tâm nhớ lại: “Thời điểm đó, đồng đội không may bị thương đều trở thành những bệnh nhân được tôi sơ cứu trước khi chuyển lên tuyến trên chữa trị”.

Những tháng ngày học làm thầy thuốc trong bom đạn cứ thế trôi đi cùng với những bài thuốc anh cũng học được mỗi lúc nhiều hơn. Có thời gian, anh mạnh dạn vào bản tình nguyện chữa bệnh cho họ người dân nước bạn. Lúc đầu, nhiều người chưa tin một người lính Việt Nam lại có thể vừa đánh giặc, vừa chữa bệnh. Sau những thành công, số người bệnh tìm đến anh ngày càng nhiều hơn.

“Hạnh phúc nhất là được chữa bệnh cho người dân nước bạn. Họ luôn xem bộ đội Việt Nam như những người thân của họ, chia sẻ với chúng tôi từng củ sắn, chén cơm”, anh Tâm kể. Năm 1985, anh rời quân ngũ về làng với hành trang anh mang về quê hương không chỉ là những thành tích chiến đấu mà còn là những bài thuốc chữa bệnh quý giá. Anh tâm nguyện: “Mình sẽ đem những gì học được để chữa bệnh cho bà con”.

Phục viên trở về, anh thương binh với tỷ lệ thương tật 4/4 lại quay về là anh nông dân chân chất gắn bó với đàn bò sữa, với từng mẫu ruộng của gia đình. Cũng từ năm đó, anh bắt đầu bốc thuốc điều trị cho người dân chung quanh. Bước vào nghề, không ít khó khăn khi các bài thuốc cần điều trị không có sẵn, người dân cũng chưa tin vào “tay nghề” của anh nông dân vốn hiền “như cục đất”. Tạm gác việc nhà, anh lặn lội đến các vùng đồi núi các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh… để sưu tầm các vị thuốc.

Sau nhiều ca chữa trị thành công, tiếng lành đồn xa, người dân tìm đến anh điều trị ngày một đông hơn. Không ít người người ở tận Hà Nội, Quảng Trị… nghe bài thuốc hay của anh cũng không quản đường xa tìm đến. Với tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 70%, các bài thuốc về đau lưng, trật khớp, thoái hóa khớp, gãy xương… anh đều cho những cách chữa trị rất hiệu quả. Anh Tâm còn cho biết, anh đang tích cực đọc các tài liệu để bốc thuốc điều trị các bệnh về tiêu hóa, dạ dày, dị ứng để phục vụ nhiều hơn cho người dân.

Lúc đầu nhiều người còn ngạc nhiên khó tin vì thấy anh bỏ bao công sức đi tìm thuốc, thời gian điều trị, nhưng với bất kỳ ai đến chữa bệnh, nhất là người dân nghèo anh đều chữa bệnh miễn phí. Hơn 25 qua, anh vẫn làm như thế. Nhiều người tới nhà anh vẫn thắc mắc vì điều kiện kinh tế của gia đình vốn chẳng khấm khá gì. Có lúc, thiếu tiền mua thuốc, anh phải đến mấy cửa hàng quen mua chịu rồi dành dụm trả góp.

Anh cho biết: Hàng tháng, gia đình anh dùng số tiền trợ cấp thương binh (900 nghìn đồng/tháng - PV), cộng với số tiền thu được từ các công việc đồng áng để lo cho ba người con đang học đại học và cao đẳng. Và, để có tiền trang trải cho mọi sinh hoạt trong gia đình, anh đã bán gần hết đàn bò sữa của mình, từ 10 con nay chỉ còn hai. Căn nhà nhỏ gia đình anh đang sinh sống trở thành “bệnh viện nhân ái” để anh hàng ngày điều trị, bốc thuốc cho mọi người cũng là do một tổ chức hảo tâm đóng góp xây dựng tặng anh cách đây mấy năm. Anh cho rằng: “Cả đời tôi đã quen với những điều bình dị, được mọi người giúp đỡ, người dân nước bạn Campuchia nhiều lần cứu sống mới có được ngày hôm nay, nên những gì tôi làm cũng như là một cách đền đáp công ơn đó”.

Hơn 25 năm qua, nhiều người bệnh đã được điều trị khỏi bệnh. Một phụ nữ chở chồng bị ngã từ giàn giáo trong lúc đang phụ hồ tại công trường xây dựng đến nhờ anh điều trị, sau khi đã chạy chữa nhiều nơi mà chưa khỏi. Sau năm tháng trời anh kiên trì bốc thuốc, nhiều vị thuốc đắt tiền anh phải chạy tìm khắp nơi, người đàn ông đã được “xuất viện”. Đôi vợ chồng đã xúc động khóc khi trả tiền công chạy chữa nhưng anh nhất quyết chối từ.

Trong gia đình, chị Bùi Thị Phái, vợ anh, cùng các con cũng là những “trợ thủ” đắc lực của “bệnh viện nhân ái” này. Chị Phái có duyên với anh nông dân Hai On từ một “mối tình kỳ lạ”. Anh kể, ngày anh lên đường nhập ngũ, cô gái mới quen làng bên bỗng chạy đến ôm lấy anh mà khóc và hẹn thề chờ anh ngày trở về. Phục viên trở về, thương tích đầy mình, anh không dám tìm gặp thì đột ngột chị đến với anh và họ thành vợ chồng.

Hạnh phúc tràn đầy, ba người con ra đời được anh chị nuôi dạy, chăm sóc nên người. Hàng ngày, chị lên Củ Chi làm công nhân. Chiều và tối, cả nhà lại quay ra phụ bố bốc thuốc, điều trị bệnh, cứu người. Em Võ Thị Thảo, cô con gái thứ hai của anh tâm sự: “Bọn cháu thấu hiểu được tấm lòng của bố nên dù có có khó khăn cũng sẽ luôn là chỗ dựa để bố tiếp tục công việc của mình, giúp ích cho người dân”.

Mỗi ngày, Hai On nhận khám và điều trị hơn 40 lượt bệnh nhân. Trong căn nhà nhỏ nằm sát đường, chiều nào cũng tấp nập người đến và đi. Họ đến mang theo niềm hy vọng, khi về mang theo niềm vui. Chừng đó năm trời, Hai On là một nông dân vừa là một thầy thuốc trách nhiệm, tình người. Trong anh vẫn luôn sáng ngời phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ và công việc anh làm cũng là một việc làm mà anh học tập từ Bác Hồ kính yêu: luôn thương yêu, tận tụy với nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực