Tăng cường các biện pháp để phòng chống sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ

Chủ nhật, 19/11/2023 19:28
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ trung tuần tháng 9/2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện 63 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, tất cả là nam giới. Trong đó ghi nhận có 70% có quan hệ tình dục đồng giới và 60% là người có nhiễm HIV.
TP Hồ Chí Minh tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: D.T) 

Đậu mùa khỉ được xem là một bệnh truyền nhiễm tái nổi, trước đây chỉ lưu hành tại châu Phi. Từ tháng 4 năm ngoái, bệnh bùng phát ở châu Âu và Mỹ, sau đó được ghi nhận trên toàn thế giới. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các tiếp xúc gần như tiếp xúc da - da (bao gồm sờ trên da có sang thương, quan hệ tình dục đường miệng hoặc hậu môn), tiếp xúc miệng - miệng (bao gồm hôn), tiếp xúc miệng - da (như quan hệ tình dục đường miệng hoặc hôn trên da), nói chuyện gần với người đang phát tán virus qua giọt bắn hô hấp, sử dụng chung đồ dùng như chăn màn, quần áo... với người đang bị đậu mùa khỉ cũng có thể bị lây.

 Đến hết tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận có 91.123 ca xác định tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ, 96% người mắc là nam giới, hơn 50% là người sống chung với HIV.

 Theo thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam đã phát hiện 74 ca đậu mùa khỉ. Tại TP Hồ Chí Minh, đã ghi nhận 63 ca đậu mùa khỉ từ giữa tháng 9 đến nay, tất cả là nam, trong đó 70% có quan hệ tình dục đồng giới và 60% là người nhiễm HIV. Hiện 35 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và hết thời gian cách ly, hai trường hợp tử vong trong bệnh cảnh suy giảm miễn dịch.

Trong bối cảnh số người mắc đậu mùa khỉ phần lớn là bệnh nhân HIV, để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã tăng cường giám sát và đặc biệt là tập trung vào nhóm nguy cơ này, với sự hỗ trợ của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ tại Việt Nam.

Theo đó, tất cả người đang sử dụng dịch vụ phòng chống HIV (bao gồm cả tư vấn xét nghiệm, điều trị methadone, điều trị ARV, dự phòng trước phơi nhiễm, dự phòng sau phơi nhiễm) đều được sàng lọc các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán. Trường hợp đã có xét nghiệm xác định sẽ được đánh giá tình trạng lâm sàng và phân tuyến điều trị phù hợp.

Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với Hội phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh tư vấn, sàng lọc và chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân đậu mùa khỉ tại tất cả khoa tư vấn, điều trị nghiện chất và HIV/AIDS của các Trung tâm Y tế quận, huyện và TP Thủ Đức, các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Dự kiến, sau hai tháng triển khai kế hoạch trên, ngành y tế Thành phố sẽ đánh giá kết quả. Đồng thời, ngành y tế Thành phố cũng kỳ vọng với sự chủ động kiểm soát sự lây lan đậu mùa khỉ trên địa bàn, các ca bệnh sẽ được phát hiện sớm và được tư vấn kịp thời để không lây cho người khác, sẽ góp phần cắt đứt chuỗi lây nhiễm, qua đó kiểm soát được dịch bệnh.

Chuyên gia khuyến cáo người dân cảnh giác chủ động phòng ngừa tích cực nếu thuộc nhóm nguy cơ cao và tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ. Người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. 

Mặc dù người dân cẩn thận trong các biện pháp phòng ngừa là cần thiết tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, người dân không nên lo lắng quá mức bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ 2 đến 4 tuần, trừ một số trường hợp bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ em... bệnh có thể nặng hơn. Vì vậy, người bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc cần được bác sĩ khám, đánh giá tình trạng lâm sàng để có chỉ định điều trị phù hợp./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực