(ĐCSVN) – Trước tình hình Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Lào vừa thông báo, nước này tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm vi rút bại liệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thường xuyên có người đi du lịch tới các khu vực có dịch và bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt cần tăng cường giám sát đối với các ca liệt mềm cấp nhằm phát hiện sớm các chủng vi rút mới xâm nhập.
|
Uống vắc xin OPV hoặc IPV để phòng bại liệt. (Ảnh: Đỗ Thoa) |
Phát hiện các ca bệnh bại liệt tại Lào
Ngày 20/11, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam cho biết, Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Lào vừa thông báo tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm vi rút bại liệt týp 1 do vắc xin (gọi tắt là cVDPV1) tại Lào.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là một trẻ trai 15 tuổi, sinh sống tại làng Phameung, quận Bolikhan, tỉnh Bolikhamxay (đây là nơi sinh sống của bệnh nhân nhiễm cVDPV1 đầu tiên được xác định trước đó). Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt và liệt vào ngày 7/10/2015, nhập viện ngày 9/10 2015. Bệnh nhân được lấy mẫu phân đi xét nghiệm hai lần vào ngày 9 và 14/10/2015 và được gửi tới Phòng xét nghiệm tham chiếu về bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tại Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nhật Bản (NIID) vào ngày 19/10/2015 để khẳng định.
Ngày 26/10/2015, NIID thông báo đã phân lập được vi rút bại liệt týp 1 (cVDPV1). Các mẫu phân của các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân này cũng đã được thu thập và xét nghiệm, kết quả đã phân lập được vi rút cVDPV1 từ mẫu phân của 3 người nhà tiếp xúc với bệnh nhân.
Trường hợp thứ hai là bé trai 4 tuổi, khởi phát bệnh với triệu chứng sốt ngày 28/9/2015, liệt chi dưới ngày 29/9/ 2015. Ngày 30/9/2015, bệnh nhân được đưa tới khám tại Trạm Y tế xã, sau đó ngày 1/10/2015, được chuyển Khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bolikhamxay và tử vong một ngày sau đó.
Theo kết quả phân tích hồi cứu, đây là trường hợp bệnh liệt mềm cấp tính. Bệnh nhân không có tiền sử tiêm vắc xin bại liệt uống (OPV). Các mẫu phân từ 4 người tiếp xúc với với trường hợp này vào ngày 20, 21/10/2015 bao gồm cả người nhà và hàng xóm có tiếp xúc. Kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm NIID Nhật Bản cũng đã phân lập được vi rút bại liệt cVDPV1 từ 3 trong số 4 người tiếp xúc. Theo tiêu chuẩn của WHO, bé trai 4 tuổi nêu trên được xác định là trường hợp tử vong do vi rút bại liệt cVDPV1.
Huyện Bolikhan thường xuyên có tỷ lệ tiêm chủng thấp, theo đó tỷ lệ bao phủ trẻ được uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt là 40% năm 2009 và 66% vào năm 2014. Lào ghi nhận trường hợp mắc bệnh bại liệt hoang dại bản địa cuối cùng vào năm 1993.
Ngay khi phát hiện ca bệnh cVDPV1 đầu tiên, Bộ Y tế Lào đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ứng phó dịch bệnh: kích hoạt Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC); xây dựng kế hoạch ứng phó, tăng cường giám sát trên cả nước các ca liệt mềm cấp (AFP), đánh giá hồi cứu từ các hồ sơ bệnh lý lưu trữ tại các Trạm Y tế xã.
Bộ Y tế Lào đã lập kế hoạch tổ chức 6 đợt uống vắc xin OPV từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016 (4 đợt cấp tỉnh và 2 đợt cấp quốc gia) cho trẻ em dưới 15 tuổi với khoảng 8,6 triệu liều vắc xin. Các hoạt động truyền thông nguy cơ và huy động xã hội cũng được thực hiện, trong đó tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các nhà vận động xã hội, tổ chức các buổi nói chuyện trao đổi thông tin nhằm tạo dựng niềm tin của người dân đối với lợi ích của tiêm chủng; xây dựng các thông điệp truyền thông phát trên đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng.
Liên quan đến một số ca bại liệt ở Lào, WHO đã khuyến cáo các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thường xuyên có người đi du lịch tới các khu vực có dịch và bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt cần tăng cường giám sát đối với các ca liệt mềm cấp nhằm phát hiện sớm các chủng vi rút mới xâm nhập. Tất cả các du khách đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt cần được tiêm chủng đầy đủ, cụ thể khách du lịch đến từ các khu vực bị nhiễm bệnh nên uống một liều bổ sung vắc xin bại liệt (OPV) hoặc vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong vòng 4 tuần đến 12 tháng trước khi đi du lịch.
Bệnh bại liệt lây từ người sang người qua đường tiêu hóa
Theo Cục Y tế dự phòng, bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do vi rút bại liệt (Polio) gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm vi rút bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang vi rút bại liệt. Bệnh thường được phát hiện qua hội chứng liệt mềm cấp; bệnh có thể tiến triển nặng xuất hiện đau cơ dữ dội, cổ cứng, cứng lưng, liệt mềm có thể xảy ra và có thể dẫn tới tử vong; di chứng liệt thường không hồi phục và gây tàn tật suốt đời.
Bệnh bại liệt là bệnh đã có vắc xin phòng bệnh và Việt Nam đã đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việt Nam đã được công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay không phát hiện trường hợp bại liệt hoang dại nào; đây là thành tựu rất lớn của cả nước cũng như của ngành y tế dự phòng Việt Nam.
Trước tình hình nhiều nước khác vẫn còn vi rút bại liệt hoang dại lưu hành, để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực triển khai việc uống vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi; từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại các tỉnh có nguy cơ cao để đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin bại liệt trên 95%.
Trước tình hình bệnh bại liệt diễn biến phức tạp tại Lào, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đưa trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đến các cơ sở y tế để uống vắc xin phòng bệnh bại liệt đầy đủ, đúng theo lịch tiêm chủng.
Tại các tỉnh có nguy cơ cao đang triển khai chiến dịch uống bổ sung vắc xin bại liệt, các gia đình đưa trẻ dưới 5 tuổi tới các cơ sở y tế để được uống vắc xin phòng bệnh bại liệt theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Trên phạm vi toàn quốc, lịch uống vắc xin phòng bệnh bại liệt (OVP) thường xuyên đối với trẻ dưới 1 tuổi cụ thể: Liều thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi. Liều thứ hai khi trẻ 3 tháng tuổi. Liều thứ ba khi trẻ 4 tháng tuổi./.