Hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VFD, TDSI... , cùng các chuyên gia về giao thông tiếp cận; các cơ quan quản lý, thực hiện và hoạch định chính sách về giao thông cấp trung ương và địa phương; các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong lĩnh vực giao thông đường bộ...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá nhu cầu và thực trạng về tiếp cận giao thông đường bộ của người khuyết tật; rà soát chính sách, đánh giá cơ chế tổ chức thực hiện; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện vấn đề tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: ĐT
Để cải thiện việc tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật như: Luật Người khuyết tật Việt Nam, Quyết định 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 về Kế hoạch thực hiện Công ước của Chính phủ; Kế hoạch Hành động của Bộ Giao thông Vận tải số 3350/KH-BGTVT...
Tuy nhiên, hiện nay, người khuyết tật gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ. Ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị trợ giúp người khuyết tật, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm lòng đường, vỉa hè, bến xe khách, nhà chờ xe buýt... hầu như không đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng.
Ngành giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương đã và đang thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật khi tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tiêu biểu như TP. Hà Nội đã miễn vé cho 42.662 đối tượng là người khuyết tật; TP. Hồ Chí Minh có 9,9 triệu lượt người thuộc đối tượng ưu tiên (trong đó có người khuyết tật) được miễn vé sử dụng xe buýt đi lại trong 6 tháng đầu năm 2016. Các địa phương vẫn duy trì tốt các tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng sàn thấp và cầu nâng phục vụ người khuyết tật. Có 2.969 người khuyết tật được giảm giá vé khi đi tàu hỏa với tổng tiền được giảm là hơn 310 triệu đồng. Tại các ga có đông hành khách đều bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ người khuyết tật. Hành khách là người khuyết tật khi lên xuống tàu đều được nhân viên trên, dưới ga trợ giúp sắp xếp hành lý, chỗ ngồi thuận lợi....
Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách về giao thông đường bộ tiếp cận tại Việt Nam, Ths. Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải nhận định: hiện nay, cơ chế, chính sách trợ giúp người khuyết tật chủ yếu tập trung vào việc miễn giảm giá vé cho người khuyết tật và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải, thiếu chú trọng đến nội dung đào tạo, tập huấn kỹ năng cho các đối tượng trực tiếp hỗ trợ người khuyết tật như: nhân viên lái xe, nhân viên bán vé xe buýt, nhân viên tại các nhà ga, tiếp viên hàng không...
Cùng với đó, chính sách miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng mới chỉ áp dụng cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật (NKT) nặng. Cùng với đó, chưa có những quy định về thống kê số lượng NKT trong lĩnh vực giao thông để quản lý, giám sát và là cơ sở để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp. Chưa có cơ chế về thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong việc phát triển hệ thống giao thông tiếp cận. Chưa có chính sách ưu đãi về lãi suất vay cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất thiết bị hỗ trợ NKT khi tham gia giao thông. Chưa xây dựng được Bộ tiêu chí đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông tiếp cận cho từng thành phố, tỉnh nên khó có cơ sở nhận biết, điều chỉnh và bố trí nguồn lực.
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với NKT, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận, có biện pháp đảm bảo cho việc triển khai thực hiện một cách hiệu quả trên thực tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cộng đồng cùng chung tay chia sẻ và thực hiện trách nhiệm xã hội, giúp NKT trong cuộc sống nói chung, trong việc tiếp cận giao thông đường bộ nói riêng. Mở rộng đối tượng NKT được miễn, giảm giá vé. Có các biện pháp để thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển hành khách đảm bảo cho NKT tiếp cận. Tại các bến xe, trạm chờ và phương tiện vận tải hành khách phải có biển báo, thông báo để NKT có thể tiếp cận và sử dụng. Thiết lập các quy định về chế tài xử phạt đối với các đơn vị vi phạm quy định liên quan đến hỗ trợ NKT tham gia giao thông đường bộ…/.