Tăng cường kiểm soát việc buôn bán mật gấu

Thứ sáu, 11/05/2018 15:34
(ĐCSVN) - Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 270/YDCT-QLD chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát việc quảng cáo, buôn bán mật gấu và các sản phẩm động vật hoang dã trái phép tại các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền.

 

Mật gấu được bày bán ở nhiều nơi tại các địa phương. (Ảnh minh họa. Nguồn: ENV)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ngày 11/5 cho biết, chỉ đạo này của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý đầu ngành trong nỗ lực chấm dứt hoàn toàn tình trạng quảng cáo, kinh doanh, buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm tại các cơ sở y dược cổ truyền trên cả nước. 

Trên tinh thần đó, ngày 27/4/2018, Sở Y tế Nghệ An đã có Công văn số 963/SYT-QLD, chỉ đạo các đơn vị tăng cường việc kiểm soát, quản lý, đặc biệt nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thuốc y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh buôn bán mật gấu, các sản phẩm từ gấu và các loài ĐVHD khác. Theo chỉ đạo này, Trung tâm truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh, Phòng Y tế các huyện, thành phố, thị xã có nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đến các đơn vị y tế, các cơ sở kinh doanh Y dược cổ truyền.

Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, giám sát toàn diện các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền cũng cần được đẩy mạnh để kịp thời phát hiện những cơ sở, cá nhân quảng cáo, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép các sản phẩm từ ĐVHD, từ đó có thể xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong tháng 4, UBND thành phố Đà Nẵng và Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi đến các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, phường, xã…về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ ĐVHD. Đặc biệt UBND yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các các cơ quan của thành phố tuyệt đối nói “không” với việc mua bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các loài ĐVHD.

Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các tăng ni, phật tử về tác hại của việc mua, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại, đồng thời chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Việc tăng cường phối hợp liên ngành, thanh kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cũng được đề cao trong những chỉ đạo này.

Theo ENV, hiện nay, có khoảng 900 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại hơn 250 cơ sở nuôi nhốt tư nhân trên khắp cả nước. Mặc dù gấu được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tình trạng buôn bán trái phép mật gấu và các sản phẩm từ gấu vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các cơ sở chẩn trị và kinh doanh y dược cổ truyền.

Với những chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan chức năng nhiều địa phương nói trên, ENV hi vọng công tác bảo vệ ĐVHD ngày càng hiệu quả, đóng góp vào nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học và chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng trái phép ĐVHD trên cả nước./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực