Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Cường
Thông tin trên được đưa ra tại Tọa đàm “Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”, do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) vừa tổ chức mới đây.
Theo các chuyên gia, Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá từ ngày 11/11/2004 và có hiệu lực từ 17/3/2005. Đồng thời, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam ra đời năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 đã cụ thể hóa các nội dung mà công ước đề cập nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc.
Tuy nhiên công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa cao. Việt Nam là nước đứng thứ 3 ở khu vực châu Á và thứ 15 thế giới về số người hút thuốc lá. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại mức năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên đến hàng chục tỉ đồng/năm. Việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá mới dừng lại ở mức phổ biến tuyên truyền vận động… Trong đó, nguyên nhân là do nhận thức của người dân chưa cao, hiện tượng hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến, tỷ lệ từ bỏ sử dụng thuốc lá còn thấp, việc xử lý vi phạm hành chính về buôn bán, sử dụng thuốc lá theo luật chưa đủ sức răn đe và chưa được làm thường xuyên, liên tục ...
Báo cáo về tình hình triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trong thời gian qua, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp Chế - Bộ Y tế cho biết: Các Bộ, ngành, địa phương cơ bản đã kịp thời ban hành được các văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch để chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật. Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, các đơn vị trực thuộc thực hiện thống nhất. Một số Bộ đã thành lập được Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Ở địa phương hiện đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại của thuốc lá…
Tuy nhiên, bên cạnh việc đã làm được thì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai Luật như: Do yêu cầu tinh giảm bộ máy, nhân sự, một số tỉnh, thành phố đã không còn ban chỉ đạo công tác phòng chống tác hại của thuốc lá; việc tuyên truyền các văn bản quy định chi tiết, quy định về xử phạt vi phạm hành chínhcủa Luật còn ít được tuyên truyền; Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là đối tượng cán bộ, công chức, nhân viên, người làm việc trong cơ quan đơn vị, đối tượng người dân ít được tiếp cận để được tuyên truyền về Luật; Cơ quan tuyên truyền, chủ yếu ở trung ương và cấp tỉnh, cấp cơ sở ít hoặc chưa thực hiện; Tỷ lệ người dân biết được Luật phòng chống tác hại của thuốc lá còn thấp, chủ yếu là dưới 50% trong khi tỷ lệ này ở cán bộ, công chức tương đối cao...
Bà Hương cũng cho biết, Việt Nam hiện nay có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, trong đó trên 45% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành hút thuốc lá. Số lượng người hút thuốc lá cao nên ước tính có khoảng 33 triệu dân phải chịu hút thuốc lá thụ động. Mỗi năm, Việt Nam cũng có khoảng 40.000 người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá, cao hơn rất nhiều so với số lượng người chết vì tai nạn giao thông, HIV/AIDS.
Thế nhưng, sau 6 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá chỉ giảm 2%. Một thống kê cho thấy, số tiền mà người dân Việt Nam chi cho thuốc lá lên đến 55.000 tỷ đồng, trong đó 31.000 tỷ đồng dùng vào việc mua thuốc lá và 24.000 tỷ đồng dùng cho chi phí điều trị y tế mà thuốc lá gây ra.
Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng có giảm đáng kể, đặc biệt là nơi công sở, nơi làm việc của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên hành vi hút thuốc tại nhà hàng, quán ăn, quán bar, karaoke, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, du lịch, khách sạn còn khá phổ biến, hành vi hút thuốc tại bệnh viện, cơ sở y tế, trường đại học nơi tập trung đông người vẫn còn.
“Đặc biệt, việc truyền thông mới đạt giá trị bước đầu, người dân hiểu về tác hại thuốc lá thấp, ví dụ là 54% (TP.HCM), nhưng mức độ thay đổi hành vi và các mức độ chuyên sâu hơn thì mới đạt 30-40%. Theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 thì phải phấn đấu 90% người dân nhận thức được các vấn đề liên quan đến phòng chống tác hại thuốc lá”, bà Hương cho biết.
Bởi vậy, để kiểm soát được tỷ lệ người hút thuốc lá, Việt Nam cần tăng cường phổ biến và thực thi các hình thức xử phạt liên quan đến sử dụng thuốc lá, nhất là hành vi hút thuốc nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường. Trong thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá, phải quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu “không để ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật về kiểm soát thuốc lá, chính sách chăm sóc sức khỏe người dân có liên quan đến thuốc lá…”. Muốn như vậy, phải đầu tư hơn cho truyền thông trong lĩnh vực này, phải cụ thể hóa Luật, trong đó xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về quảng cáo, tài trợ, mua bán, sử dụng thuốc lá./.