Tạo “đột phá” về thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên môi trường

Chủ nhật, 26/01/2020 20:28
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, năm 2020, Bộ sẽ triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đặt ra; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tạo “đột phá”, chuyển biến rõ nét trong quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với về nhiệm vụ,

giải pháp năm 2020. (Ảnh: BL) 

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, năm 2019 đã khép lại với những kết quả quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu KT-XH của Chính phủ. Bộ trưởng có thể cho biết, đâu là những kết quả nổi bật tạo nên sự chuyển biến tích cực trong năm qua?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2019, với quyết tâm tạo đột phá, phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) phát triển bền vững, ngành TN&MT đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra.

Trước hết, Bộ đã trình và ban hành các chính sách tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo để tiếp tục khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển. Thiết lập hành lang pháp lý cho thống nhất quản lý đo đạc bản đồ; chuyển đổi phương thức quản lý môi trường theo hướng chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm các nguy cơ ô nhiễm, sàng lọc lựa chọn các ngành nghề, dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường...

Các nguồn tài nguyên được phát huy cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng cho phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao. Tình trạng lãng phí, vi phạm pháp luật về đất đai được giải quyết, xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai với diện tích 18.844 ha; hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường.

Nhiều khu vực có tiềm năng khoáng sản, giá trị địa chất đã được phát hiện, được chuyển hóa thành nguồn lực, đưa ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại. Nguồn thu từ tài nguyên đạt cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó thu từ đất đến 25/12 đã đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 11% thu ngân sách nội địa; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến nay đạt 9.354 tỷ đồng, trong đó số thu năm 2019 là 1.165 tỷ đồng; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được phê duyệt của cả nước là 50.909 tỷ đồng, trong đó số thu năm 2019 là 4.780 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với sự nỗ lực toàn ngành đã đạt được chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm chất lượng cung cấp dịch vụ công theo khảo sát đánh giá của các tổ chức độc lập, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm 10,7%; tỷ lệ người dân phản ánh có bôi trơn trong làm thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 29%; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) tăng đều qua 3 năm.

Về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Chủ động kiểm soát, phòng ngừa, thiết lập hơn 600 trạm quan trắc tự động ở các dự án có nguy cơ cao ô nhiễm để hoạt động an toàn, hiệu quả đóng góp cho tăng trưởng. Xác định các giải pháp tổng thể, đồng bộ để quản lý chất thải rắn, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu. Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí; BVMT lưu vực sông. Đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều địa phương đã kiên quyết không tiếp nhận các dự án công nghệ lạc hậu, nhiều Vườn quốc gia được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận…

PV: Vậy đâu sẽ là những thách thức mà ngành Tài nguyên và Môi trường phải đối mặt trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn thách thức đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực giải quyết. Trước hết, vẫn còn những xung đột trong các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, bảo vệ môi trường, quản lý tài sản công dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực thi ở địa phương…

Ô nhiễm do tác động tích luỹ từ quá trình phát triển đã chạm ngưỡng chịu tải của môi trường; lượng phát thải ra môi trường ngày càng tăng, riêng chất thải rắn trung bình mỗi năm tăng từ 10 - 16%, trong khi đó, tỉ lệ được tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh có xu hướng giảm, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm.

Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực còn  rất lớn, trong đó mới chỉ 20% được thu gom xử lý. Năm 2019, nhiều sự cố về môi trường phát sinh trên thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. BĐKH, thiên tai đang diễn biến nhanh, tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên...và còn nhiều khó khăn nữa đòi hỏi toàn ngành phải phấn đấu, nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2020.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường có những chương trình, kế hoạch gì để vượt qua khó khăn, thách thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai các khâu đột phá then chốt nhất là về thể chế, chính sách, pháp luật, khoa học công nghệ, hạ tầng dữ liệu gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy. Trong đó, Bộ sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đưa ra các tiêu chí để lựa chọn các dự án công nghệ thân thiện với môi trường, loại bỏ các dự án về ô nhiễm, đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên…

Bên cạnh sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển.

Cùng với các đột phá về thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin, cung cấp chia sẻ thông tin dữ liệu, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường cho người dân, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, từng bước giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính…

Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; chủ động hợp tác và hội nhập, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Ngành.

Kết quả “về đích” có ý nghĩa quan trọng bởi năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Tôi tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và sự quyết tâm cao của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành các mục tiêu để góp phần vào công cuộc phát triển toàn diện của đất nước.

PV: Năm 2020, Bộ trưởng chỉ đạo các giải pháp trọng tâm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện công khai minh bạch các kết luận thanh tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được xác định rất quan trọng. Để làm tốt công tác công khai kết luận thanh tra, Bộ TN&MT sẽ yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo trưởng các đoàn thanh tra, tham mưu người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra theo đúng các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản khác có liên quan. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm và chất lượng công tác thanh tra. Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Bộ sẽ yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nội dung được quy định của Luật Thanh tra về Công khai kết luận thanh tra.

Cụ thể, công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp…

Bộ cũng giao Thanh tra Bộ thực hiện giám sát, theo dõi, tổng hợp kết quả ban hành, công khai kết luận thanh tra của các đơn vị, báo cáo Lãnh đạo Bộ. Các quyết định thanh tra sẽ được công khai minh bạch để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt hơn; mục tiêu là quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững./.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực