​Tập huấn chuyên môn: Nhận diện và xử trí ban đầu bệnh nhân đột quỵ não cấp

Thứ tư, 26/07/2023 14:06
(ĐCSVN) - Tại buổi tập huấn, học viên đã được các giảng viên cung cấp kiến thức về cách phát hiện sớm, chẩn đoán và xử trí ban đầu bệnh đột quỵ não, vai trò của cấp cứu trước viện và một số tình huống lâm sàng đặc biệt đột quỵ não. Đồng thời có thêm hiểu biết về Chương trình Angels (chương trình chăm sóc sức khỏe với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ) và các công cụ tối ưu hóa quy trình tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tập huấn 

Chiều ngày 25/07/2023 Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao phối hợp với Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Công ty TNHH Boehringer Ingelheim tổ chức buổi tập huấn “Nhận diện và xử trí ban đầu bệnh nhân đột quỵ não cấp”. Tham dự tập huấn có BSCKII Bùi Thị Thu Hà, Ths Tạ Văn Hải - Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ; BSCKI. Triệu Kim Cội - Phó Giám đốc Trung tâm cùng các y, bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao và trạm y tế các xã, thị trấn.

Tại buổi tập huấn, học viên đã được các giảng viên cung cấp kiến thức về cách phát hiện sớm, chẩn đoán và xử trí ban đầu bệnh đột quỵ não, vai trò của cấp cứu trước viện và một số tình huống lâm sàng đặc biệt đột quỵ não. Đồng thời có thêm hiểu biết về Chương trình Angels (chương trình chăm sóc sức khỏe với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ) và các công cụ tối ưu hóa quy trình tại Việt Nam.

BSCKI Triệu Kim Cội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao phát biểu tại buổi tập huấn 

Đột quỵ là một căn bệnh rất phổ biến hiện nay, tỷ lệ tử vong đứng thứ ba sau bệnh ung thư và tim mạch, để lại di chứng nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội. Người bệnh đột quỵ sống sót phần lớn để lại di chứng nặng nề như: liệt nửa người, bại não, méo miệng, nói ngọng… Thời gian vàng là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại trong điều trị và ảnh hưởng đến phục hồi của người bệnh đột quỵ não. Nếu được chẩn đoán và điều trị trong thời gian vàng (trong vòng 4-6 giờ đầu sau khởi phát), người bệnh sẽ có cơ hội sống sót và hồi phục rất cao. Trong điều trị đột quỵ não, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết/tiêu huyết khối đường tĩnh mạch là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho người bệnh “nhồi máu não” trong giai đoạn cấp. Thuốc làm tái thông mạch máu não bị tắc, làm giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của người bệnh sau đột quỵ não (tăng thêm 30% tỉ lệ không tàn phế hoặc tàn phế ở mức tối thiểu); trung bình cứ 8 người bệnh được điều trị kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết sẽ có 1 người bệnh khôi phục bình thường. Thuốc được dùng cho người bệnh nhồi máu não có thời gian khởi phát triệu chứng < 4 giờ; thời gian sử dụng thuốc càng sớm tỉ lệ thành công càng cao. Từ năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao là một trong những cơ sở y tế tuyến huyện đã sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong cấp cứu, điều trị người bệnh đột quỵ nhồi máu não giai đoạn cấp, giúp cứu sống nhiều trường hợp người bệnh bị đột quỵ.

Thông qua buổi tập huấn các học viên được cập nhật những tiến bộ trong điều trị đột quỵ, qua đó, góp phần củng cố các kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, giúp các bác sĩ có biện pháp xử trí nhanh và hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ tử vong cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân đột quỵ./.


Đào Lan- Hải Yến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực