Là trung tâm các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, những năm vừa qua tỉnh Thái Nguyên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; chú trọng phát triển y tế chuyên sâu; củng cố, nâng cao hiệu quả của y tế dự phòng. Từ đó, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ngày càng đáp ứng yêu cầu.
|
Các bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. (Ảnh:TL) |
Với nhiều giải pháp đồng bộ, với tám bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh (trong đó bảy bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2018), chín đơn vị y tế tuyến huyện, giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Theo Sở Y tế Thái Nguyên, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, trong những năm qua, Ngành y tế Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự hài lòng của người dân với dịch vụ Y tế công tại 8 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 đơn vị y tế tuyến huyện hàng năm đạt trên 80%.
Tại 100% số trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 96% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, hơn 90% số Trạm Y tế có bác sỹ, 98,4 % số thôn, bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Toàn ngành đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, kết nối liên thông dữ liệu từ tỉnh đến huyện, xã, liên thông cổng giám định bảo hiểm y tế, triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em điện tử, tiến tới hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và y tế thông minh. Hệ thống y tế dự phòng của toàn tỉnh được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia về Y tế dự phòng.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 2.000 bác sĩ (BS), đạt tỷ lệ 16,2 BS/10.000 dân; 6.634 giường bệnh, đạt 50,7 giường/10.000 dân, trong đó giường bệnh công lập 47,1 giường/10.000 dân, ngoài công lập 3,6 giường/10.000 dân, vượt kế hoạch đề ra; bình quân người dân khám, chữa bệnh đạt hơn 2,0 lượt/người/năm. Là trung tâm các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên và ngành y tế Thái Nguyên còn đảm nhận việc khám, chữa bệnh cho lượng lớn công nhân, học sinh, sinh viên và nhân dân các tỉnh lân cận.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về “Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân”, với sự tham mưu tích cực chủ động của ngành Y tế, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trình HĐND tỉnh thông qua nội dung Chương trình phát triển y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 với các mục tiêu cụ thể như: Đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn cán bộ y tế; Đổi mới cung cấp dịch vụ; Sẵn sàng đối phó với dịch bệnh; Cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế.
Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Chương trình phát triển y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng dự toán kinh phí trên 2.753 tỷ đồng, đồng thời đề ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ như: Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; tăng cường đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích thực hiện tự chủ tài chính, triển khai kỹ thuật mới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân; chủ động phòng, chống dịch bệnh; phát hiện sớm, kịp thời kiểm soát không để dịch bệnh lớn xảy ra; tăng cường các giải pháp để quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa y tế; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế, tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, dịch vụ theo yêu cầu…
Có thể nói, Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 là tổng hợp các nhiệm vụ và giải pháp hướng đến việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh toàn diện trên địa bàn tỉnh. Chương trình đồng thời là chiến lược của tỉnh Thái Nguyên vì mục tiêu nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống Nhân dân, mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong công tác khám, chữa bệnh và phát triển Y tế chuyên sâu, việc cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tiếp tục được nâng lên đặc biệt công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh từng bước được nâng cao, công tác tiếp đón người bệnh, tinh thần thái độ phục vụ, công tác điều dưỡng có chuyển biến tích cực. Hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” được chú trọng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển hệ thống các Bệnh viện thực hiện định hướng y tế chuyên sâu gồm: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Quốc tế. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bệnh viện tư nhân và bệnh viện ngành có đóng góp rất lớn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ba bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương (BV Bạch Mai, Nội Tiết, Phụ Sản, Nhi, BV Nhiệt đới và BV Tim Hà Nội), góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương. Các lĩnh vực Sản khoa, Nhi khoa, Tim mạch, Hồi sức cấp cứu, Chấn thương, Ung bướu có bước phát triển mạnh. 07 Bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2018. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối thanh toán, giám định với cổng giám định điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2021 – 2025, Ngành y tế Thái Nguyên tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt Kế hoạch số 73- KH/TU ngày 26/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch số 74- KH/TU ngày 26/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Toàn ngành phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng tin học trong quản lý y tế và công khai minh bạch các hoạt động y tế; nâng cao năng lực phòng chống dịch, bệnh gắn với đổi mới, củng cố y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển mạnh mẽ các Trung tâm chuyên sâu; đổi mới tài chính y tế, phát huy cao độ tính tự chủ tài chính trong hệ thống khám chữa bệnh; huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế, khuyến khích mạnh mẽ việc xã hội hóa y tế, thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân…./.