Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Việt Hùng
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về công tác bảo vệ môi trường năm 2018. Phóng viên (PV): Bộ trưởng có thể cho biết thực trạng công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời gian qua?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Công tác BVMT năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều vấn đề môi trường đã được quan tâm giải quyết. Áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường được kiểm soát tốt hơn; nhiều cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường được hạn chế, giảm thiểu; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tăng; một số khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng đã từng bước được cải tạo, phục hồi.
Tính riêng trong năm 2017, cả nước có 09 khu công nghiệp (KCN) hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nâng tỷ lệ các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 78%; 33 KCN đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động...Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp tăng, tỷ lệ chôn lấp giảm. Chất thải nguy hại được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý.
Bên cạnh đó, tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan" tại một số địa phương cơ bản được khắc phục. Khoảng 40-50% lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý. Việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào nước ta ngày càng giảm. Khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, điều kiện sống của người dân được quan tâm triển khai. Các khu vực ô nhiễm tồn lưu dioxin cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn. Nhiều điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý hoàn toàn; hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ; 262 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 53 bãi rác, 21 kho thuốc thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lĩnh vực BVMT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhiều vụ việc, sự cố môi trường lớn xảy ra liên tiếp trên phạm vi cả nước. Từ chỗ còn bị động, lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết một số điểm nóng, sự cố môi trường, đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn toàn chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường. Riêng trong năm 2017, Bộ TN&MT đã chủ động, kịp thời phát hiện và phối hợp với chính quyền địa phương xử lý gần 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường xảy ra trên phạm vi toàn quốc.
Để có được kết quả nói trên, tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, người lao động ngành môi trường đã đoàn kết, nỗ lực không ngừng nghỉ. Bên cạnh đó còn có sự tham gia, tích cực phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường các địa phương.
PV: Mặc dù công tác BVMT có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, năm 2017, nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra. Với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước thực trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, Bộ TN&MT chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được chú trọng, quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tại các địa phương.Các vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT diễn biến phức tạp, tinh vi, đặc biệt là các vi phạm về xả thải vượt quy chuẩn. Các doanh nghiệp tìm cách trốn tránh nghĩa vụ đầu tư hệ thống xử lý chất thải, chi phí vận hành xử lý nên che đậy bằng các phương thức tinh vi (xả lén, xả về đêm hoặc trời mưa,…) khó kiểm soát.
Nguyên nhân tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân; hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp nên công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một số mặt hạn chế.
Để giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường, ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm.
Quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan phải xem xét lại toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm tối đa khả năng xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương để theo dõi, giám sát.
Về lâu dài, Bộ TN&MT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu thay đổi quy định pháp luật để hoạt động thanh tra môi trường được chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động; bổ sung giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục BVMT thuộc Sở TN&MT để tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền cho cơ quan quản lý môi trường ở địa phương.
PV: Vấn đề môi trường ngày càng trở thành vấn đề nóng, vậy ngành tài nguyên và môi trường đã làm gì để giải quyết thực trạng này thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi, một số thời điểm vẫn xảy ra.
Trước tiên, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân, doanh nghiệp chưa coi trọng đúng mức về bảo vệ môi trường. Còn nhiều địa phương chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế; sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp do đặt nặng mục tiêu lợi nhuận đã vi phạm quy trình khai thác, trốn tránh nghĩa vụ, lách luật về bảo vệ môi trường; thức bảo vệ môi trường của nhiều cộng đồng, cá nhân chưa cao.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật tuy được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập, chưa theo xu thế phát triển nhanh của các vấn đề môi trường. Vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu; trong khi đó lại đang thiếu những cơ chế khả thi để huy động nguồn vốn, nhất là cơ chế thu trực tiếp bù chi để thu hút khối tư nhân tham gia đầu tư bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát môi trường, rà soát, phân loại các dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Triển khai đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành công tác xử lý triệt để, phấn đấu hết năm 2018 tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý triệt để đạt 67%.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung vào các khu chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đảm bảo tỷ lệ các khu công nghiệp theo quy hoạch phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 88%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong 12% khu công nghiệp còn lại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép.../.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!