Thầy cô giáo vùng cao vượt núi về bản chúc tết học trò

Thứ tư, 29/01/2020 18:30
(ĐCSVN) - Những ngày tết đến xuân về, nếu như ở thành phố hay vùng đồng bằng, nhiều học trò và phụ huynh đi chúc tết thầy cô giáo, thì ở vùng cao Tây Bắc, trước khi nghỉ tết, các thầy cô giáo lại có những chuyến “ngược sơn” đến những bản nhỏ. Đó là những chuyến đi tết học trò, chuyện tưởng như “ngược đời” nhưng lại không là điều mới mẻ đối với giáo dục vùng cao.
 Thầy giáo Nguyễn Duy Thể (Giáo viên trường THCS Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ) thăm và tặng quà học trò nghèo tại bản xa.

Những chuyến “ngược sơn”

Tết thầy là đạo lí ngàn đời của con người Việt Nam. Mỗi khi xuân về, đạo lí ấy lại được các thế hệ học trò thực hành, dành bao tình cảm kính trọng và biết ơn đối với thầy cô. Song, ở vùng cao Tây Bắc, hình như đạo lí ấy lại có chiều ngược lại, thầy cô trước khi nghỉ tết lại lên núi, lên bản thăm và tặng quà tết cho học trò. Đó là những chuyến đi thể hiện tình cảm, sự quan tâm của thầy cô đối với những học trò nghèo ở trong các bản vừa sâu, vừa xa. Đi “tết” học trò như thế, đối với thầy cô giáo vùng cao chẳng khác nào trong vai trò là một cán bộ dân vận.  

Chương trình mang tết đến cho học trò nghèo ở những bản xa được các nhà trường vùng cao Tây Bắc chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó. Trên cơ sở khảo sát các đối tượng học sinh thuộc diện con em đồng bào các dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập, các nhà trường đã thành lập các đoàn giáo viên về tận các bản xa để động viên, tặng quà và chúc tết gia đình học trò. Công việc ấy thật ý nghĩa khi các thầy cô đã không quản đường xa, suối sâu để đến nhà học trò, gặp phụ huynh học sinh và nắm bắt hoàn cảnh của các em. Những món quà nhỏ đã được thầy cô chuẩn bị từ trước ngày “ngược sơn”. Đó là là sự gom góp của tập thể giáo viên các nhà trường ở vùng cao. “Giá trị vật chất mỗi phần quà cho các em không lớn. Có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm… nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên tất cả sự yêu thương và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn”, thầy giáo Cao Xuân Lâm, Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS&THPT huyện Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ.

Tết dân tộc - Tết trao yêu thương được tổ chức hằng năm tại trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bảo Yên (Lào Cai).    

Tuy ở nơi xa xôi, khó khăn của huyện Bảo Yên (Lào Cai) nhưng năm nào cũng vậy, thầy cô giáo trường PTDT bán trú THCS Tân Tiến đều tổ chức Tết dân tộc, gói bánh chưng và “gom góp” được chút tiền để mua quần áo rét, mũ len và quà tết để tặng cho học trò nghèo ở những bản xa trường. Học trò ở xa, tận những bản với những cái tên nghe qua đã thấy gợi lên bao sự xa xôi, vất vả như Cán Chải, Nặm Phầy, Nặm Hu, đường đi toàn dốc đèo nhưng không ngăn nổi tình thương của thầy cô nơi đây mỗi khi tết đến xuân về. “Nhận được quà của thầy cô, học trò mừng lắm, lại vui nữa vì các em hiểu rằng đó là sự quan tâm của thầy cô”, cô giáo Hoàng Thị Vân, giáo viên trường  PTDT bán trú THCS Tân Tiến chia sẻ. Điều kiện khó khăn, việc tổ chức tết cho học trò và tặng quà tết cho học trò nghèo luôn cần sự chung tay của tất cả các thầy cô giáo và các đoàn thiện nguyện. Miễn sao đến ngày áp tết, mỗi em học sinh nghèo có được một món quà nhỏ để vừa là nguồn động viên, vừa giúp các em có được cái tết đầm ấm bên gia đình. “Dân vận” của thầy cô giáo vùng cao là như thế. Tình cảm, yêu thương và sẻ chia từ những điều bình dị, nhỏ bé mà ấm áp.

Thật cảm động mỗi khi tết đến xuân về, nhiều thầy cô giáo quê ở miền xuôi, xa gia đình, lên dạy học ở vùng cao. Được nghỉ tết, lẽ ra thầy cô vui mừng, vội vã ra đón tàu, xe để về đoàn tụ với gia đình nhưng bao giờ cũng vậy, thầy cô phải làm xong công việc về bản để thăm, chúc tết học trò nghèo rồi mới “khăn gói” về quê ăn tết. Có thầy cô dạy học lâu năm ở vùng cao, có năm, ở lại ăn tết luôn chứ không về quê. Cô giáo Nguyễn Thị Đàm (quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ), dạy học ở điểm trường Huổi Lá, trường Tiểu học Nậm Hăn (Sìn Hồ, Lai Châu) đã 18 năm nay chia sẻ, năm nào, cô cũng cùng đồng nghiệp đến tặng quà cho học sinh tại các bản. “Có những buổi đi lội qua suối, lạnh đến cóng chân nhưng nghĩ thương học trò vào ngày tết nên vẫn cảm thấy như không”, cô Đàm chia sẻ.

Có chung cảm xúc với cô giáo Nguyễn Thị Đàm trong những chuyến “dân vận” về bản vùng cao mỗi khi xuân về, thầy giáo Cao Ngọc Đạo (Trường THCS số 2 Xuân Hòa- Bảo Yên- Lào Cai) từng dạy học ở vùng cao Xuân Hòa hơn chục năm chia sẻ, thầy và đồng nghiệp không đếm được và không nhớ rõ đã bao nhiêu chuyến lên bản để thăm, chúc tết học trò nghèo. Thầy Đạo tâm sự: “Lặn lội lên nhà học trò, mới thấy gia cảnh các em còn thiếu thốn quá. Cơm trộn sắn ăn với muối ớt, quần áo không đủ mặc…ngẫm lại càng thấy thương học trò của mình”.

 Thầy giáo Nguyễn Quốc Đại (áo khoác trắng), Hiệu trưởng trường THCS Nậm Cang, Sa Pa, Lào Cai) tặng quà, chúc tết học sinh nghèo.

Với đặc thù là một ngôi trường vùng cao còn nhiều khó khăn, học trò đa số là người dân tộc Tày, Mông, Dao, hoàn cảnh sống và học tập của các em cần nhiều sự quan tâm, ở trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai), trước khi nghỉ tết nguyên đán hằng năm, dù tiết trời có lạnh buốt da thịt, đường vào bản có khi phải lội qua suối, nước lạnh đến thâm tím da thịt nhưng các thầy cô nơi đây không quên đi chúc tết và tặng quà gia đình học trò. Thầy giáo Quan Văn Thưởng, phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường đã chia thành nhiều nhóm thầy cô giáo để đến được các bản nhiều hơn, nhanh hơn. Cách đến bản chủ yếu bằng xe máy nhưng chỉ được nửa đường, đoạn còn lại thì đi bộ vào. Có những đoạn đường lầy lội, đi bộ cũng khó, có đoạn dốc thẳng đứng như đường lên trời vậy. Thế mới hiểu nỗi vất vả của thầy cô giáo vùng cao nói riêng và cán bộ dân vận nói chung”.

Mỗi chuyến đi chúc tết học trò là một sự trải nghiệm quan trọng để thầy cô thấu hiểu học trò hơn. Thầy giáo Nguyễn Sỹ Tuấn (giáo viên Tin học, trường THPT số 3 Bảo Yên), chia sẻ: “Đến bản Mông Lùng Ác với đoạn đường gần 20 cây số ngược dốc núi rồi lại xuôi phía dốc núi bên kia chừng 10 cây số nữa mới đến được nhà học sinh. Đến đây, mới thực sự cảm thông với các em và nhận thấy ý chí học tập của các em đáng quí biết mấy. Chúc tết gia đình, phụ huynh và học sinh thêm phấn khởi để đón một cái tết đầm ấm”.

Tình cảm của thầy cô đã để lại trong tâm hồn học trò sự xúc động và biết ơn. Em Hoàng Thị Thùy, dân tộc Tày, học sinh lớp 11 trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ: “Khi nhận được món quà tết cùng tình cảm của thầy cô giáo, bố mẹ và em rất cảm động trước sự quan tâm, động viên của thầy cô. Nhà em xa trường, hoàn cảnh khó khăn lắm, chính sự tiếp sức của thầy cô đã tạo động lực cho em”.  

Bên bếp lửa hồng

Đầm ấm biết bao khi vượt qua những chặng đường xa, thầy cô giáo đến với học trò nghèo để thăm và chúc tết. Không gian nhà sàn chênh vênh bên sườn non như thêm sự ấm áp. Tiết trời rét thấu da thịt hòa vào cái hoang hoải của núi rừng, đường trơn như đổ mỡ, phụ huynh chỉ biết đón thầy cô giáo bên bếp lửa bập bùng giữa căn nhà sàn. “Cùng phụ huynh, nhóm học sinh ngồi bên bếp lửa hơ tay, tiếng lửa cháy lép bép, tiếng phụ huynh tâm sự về gia cảnh của mình, tiếng học trò ríu rít nghe sao mà ấm áp nghĩa tình”, thầy giáo Nguyễn Anh Vũ (Bảo Yên- Lào Cai) chia sẻ khi đến chúc tết học trò nghèo ở bản Tày.

Bên bếp lửa hồng, thầy cô giáo động viên phụ huynh, nói những lời chúc tết, động viên và dặn dò học trò sau tết nhớ xuống trường học tập. Chuyện thăm và chúc tết học trò nghèo cũng không còn là chuyện mới lạ ở trường THCS Nậm Cang (Sa Pa - Lào Cai). Thầy Nguyễn Quốc Đại (dân tộc Tày, Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, trước khi nghỉ tết, nhà trường tổ chức Tết Dân tộc để chúc tết và chia tay các em về bản vui tết nguyên đán cùng gia đình. Sau khi các em về bản, nhà trường sẽ tổ chức cho các thầy cô giáo đến thăm, tặng quà, chúc tết các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Không chờ phân công nhiệm vụ, thầy cô nào cũng hăng hái xung phong đi thăm học trò", thầy giáo Nguyễn Quốc Đại chia sẻ.

“Dân vận” bằng trái tim yêu thương

Dạy học ở vùng cao, mỗi thầy cô giáo không chỉ trong vai trò là giáo viên đứng lớp mà còn là một “cán bộ dân vận khéo”. Với thầy cô, phía sau những chuyến “ngược sơn” thấm đẫm nhọc nhằn là bao điều đáng trân trọng và suy ngẫm. Trong tâm hồn mỗi thầy cô luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu trong tác phẩm “Dân vận” mà Người viết cách đây 70 năm, rằng, làm cán bộ dân vận không ngồi một chỗ, không nói suông mà “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để gần dân, nói cho dân hiểu, để từ đó hiểu dân hơn. Thầy cô giáo vùng cao làm “dân vận” bằng cả trái tim yêu nghề, yêu người để phụ huynh, học trò hiểu, để hiểu học trò.

Sự dấn thân nơi những bản vùng cao đã để lại những trải nghiệm vô cùng quan trọng đối với các thầy cô giáo. Bởi lẽ, đã từ lâu, ở vùng cao, cứ sau hè, sau tết nguyên đán, tình trạng học trò bỏ học hay xuống trường chậm so với thời gian quy định là một hiện tượng phổ biến. Và đó là nỗi lo lắng thường trực của thầy cô giáo nơi đây, lo sĩ số học sinh giảm dần, lo việc học của các em sẽ bị gián đoạn và tương lai sẽ dang dở. Vì thế, những chuyến “dân vận” chúc tết học trò nghèo, đối với các thầy cô giáo vùng cao không đơn thuần là chuyện chúc tết mà còn là dịp để nắm bắt hoàn cảnh học trò, tiếp thêm động lực cho các em xuống trường học chữ. Trái tim yêu thương của thầy cô giáo vùng cao đã thắp lên ngọn lửa ấm để xua tan đi bao giá lạnh, nhen lên trong tâm hồn học trò khát vọng vươn lên.

Những chiếc chăn ấm được thầy cô giáo trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bảo Yên (Lào Cai) tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trước khi nghỉ tết.   

Muốn dân vận tốt, nhiều thầy cô đã chia sẻ, trước hết phải có cái tâm của người thầy, người cô được thể hiện bằng tình yêu thương học trò. Phải thực sự đi về nơi học trò sinh sống để “thực mục sở thị” hoàn cảnh của các em. Từ đó, thầy cô trò chuyện, trao đổi để động viên, chia sẻ và tạo thêm động lực cho gia đình và học trò. Những lời chúc tết của thầy cô tưởng như là những lời trò chuyện đơn thuần nhưng thực chất lại là những lời chia sẻ, sự căn dặn hết sức quan trọng đối với học trò. Nghe thầy cô giáo trò chuyện, đồng bào các dân tộc thiểu số như đang nghe một cán bộ dân vận đi tuyên truyền về công tác giáo dục ở vùng cao. Họ như thấu hiểu hơn, gần gũi hơn với thầy cô giáo, những người mà họ gửi trọn niềm tin sẽ dạy bảo con em họ trở thành người tốt, thành công dân có ích cho xã hội.

Những chuyến đi chúc tết học trò đã trở thành những kỷ niệm đẹp trong tâm hồn mỗi thầy cô giáo vùng cao, nhất là những thầy cô giáo trẻ. Sức trẻ và lòng nhiệt huyết đã đưa họ đến với những bản Mông, bản Tày, bản Dao xa lắc. Ở đó, những “mầm chữ” đang ngày đêm nhen nhóm những ước mơ cao đẹp. “Đi chúc tết học trò nghèo là để mong các em có thêm động lực, có thêm tình yêu thương và sự sẻ chia trước khi tết đến xuân về”, thầy giáo Nguyễn Duy Thể, giáo viên trường THCS Thu Cúc (Tân Sơn - Phú Thọ) chia sẻ.

Sức lan tỏa của những chuyến về nơi những bản xa trong vai trò là một “cán bộ dân vận” của thầy cô giáo vùng cao mỗi khi tết đến xuân về được minh chứng sinh động bằng tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ sau tết nguyên đán ở các trường học vùng cao không nhiều như những năm trước đây, có chiều hướng giảm đi đáng kể. Sự quan tâm của thầy cô vào dịp tết cùng với mô hình trường học bán trú đã tạo sức hút rất lớn đối với học trò vùng cao. Các tỉnh vùng cao như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu...đã và đang nhân rộng mô hinh trường học bán trú để tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc yên tâm xuống núi học chữ.

Tình yêu thương đối với thầy cô giáo vùng cao không thể đo bằng dốc đèo mà được thể hiện giản dị, ấm áp với niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng của mỗi học trò. Để rồi, điều đọng lại sau những nhọc nhằn của hành trình gieo chữ, sau những chuyến đi bản chúc tết học trò, niềm hạnh phúc chất chứa trong tâm hồn thầy cô giáo là con chữ vùng cao được neo đậu nơi “bến đời”, ước mơ con trẻ được chắp cánh từ những bản làng xa xôi./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực