Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ ngày 20/6. Ảnh: Đỗ Thoa
Thông tin trên được ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chiều 20/6, tại Hà Nội.
Những tác động tích cực
Theo ông Lê Văn Phúc, thông tuyến khám chữa bệnh quận/huyện trong phạm vi tỉnh/thành phố trên cả nước đã có những tác động tích cực đối với người có thẻ BHYT. Theo đó, người bệnh đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện.
Quy định thông tuyến thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên để giữ/thu hút người bệnh và như vậy, người có thẻ BHYT được hưởng lợi từ việc này.
Còn đối với cơ sở khám, chữa bệnh, quy định thông tuyến sẽ giúp các cơ ở khám, chữa bệnh có tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tốt thu hút được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ BHYT đăng ký ban đầu. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT), đây là vấn đề rất quan trọng đối với các cơ sở y tế.
Như vậy, có thể thấy, quy định thông tuyến buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và như vậy cơ sở khám, chữa bệnh đã tạo nên lợi ích kép từ việc này.
Khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT khi thông tuyến khám chữa bệnh
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bên cạnh những tác động tích cực của thông tuyến KCB BHYT thì cũng bộc lộ một số hạn chế đó là: khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT do phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau.
Qua theo dõi 5 tháng thực hiện thông tuyến, số lượt KCB thông tuyến tại các cơ sở KCB tuyến huyện chiếm khoảng 10-15% tổng số KCB. Riêng đối với các cơ sở y tế tư nhân thì tỷ lệ này tăng nhiều hơn (từ 100 -200%). Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính cả lương và phụ cấp, đây sẽ là tác động kép làm gia tăng chi phí KCB BHYT.
Cùng với đó, việc thông tuyến khám chữa bệnh dẫn đến khó thực hiện phương thức thanh toán theo định suất bởi qui định quỹ định suất xác định cho các cơ sở KCB bao gồm cả chi phí của bệnh nhân đăng ký ban đầu tại đó đi khám chữa bệnh của nơi khác, điều này sẽ xảy ra tình trạng quỹ KCB của một số cơ sở sẽ bị bội chi lớn do tăng chi phí đa tuyến.
Tại các Trạm y tế xã phường, do việc phân quỹ KCB BHYT hiện nay và quy định về sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, nhiều hạn chế trong KCB tại các trạm y tế xã, vì vậy khi được mở thông tuyến người bệnh không qua tuyến xã mà lên thẳng các bệnh viện huyện. Các trạm y tế xã sẽ không còn bệnh nhân đến KCB (trừ các Trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa). Như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tăng cường KCB tại y tế cơ sở.
Tại các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi do bệnh nhân được tự do lựa chọn khám, chữa bệnh. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao sẽ càng có nguy cơ quá tải.
Cùng với đó, thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện cũng sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như tăng cung quá mức dịch vụ y tế để tăng chi phí KCB thu được và thu hút người bệnh thông qua việc tăng cung này bởi một số người bệnh vẫn lầm tưởng là được cung cấp nhiều dịch vụ y tế, thuốc trong mỗi lần đến khám, chữa bệnh đồng nghĩa với chất lượng tốt./.