Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại

Thứ năm, 21/03/2024 15:16
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 21/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trong tháng 2/2024, tại Thành phố đã có 10.330 người tiêm vaccine phòng dại do bị súc vật cắn.
 TP Hồ Chí Minh tăng cường triển khai biện pháp phòng ngừa bệnh dại (Ảnh minh hoạ: Thi Nguyễn)

Số tiêm ngừa phòng bệnh dại tích lũy từ đầu năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh là 19.552 trường hợp, bình quân mỗi tháng ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vaccine phòng dại (9.222 người trong tháng 1 và 10.330 người trong tháng 2/2024).

Theo số liệu ghi nhận trong các ca tiêm ngừa năm 2024, loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó (74,8%), mèo (20,5%), dơi (0,2%) và các loài vật khác (4,6%). Hơn 60% là vết thương ở mức độ 3 (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).

Bác sĩ CK2 Danh Thơm, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã ghi nhận 7/7 trường hợp tử vong do bệnh dại, đây là những bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến. Đồng thời bệnh viện cũng ghi nhận gần 5.300 lượt tiêm ngừa dại trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 1.000 lượt so với 2 tháng cùng kỳ năm ngoái.

HCDC cho biết, hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên đây là bệnh có thể phòng ngừa được. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người nuôi chó, mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan thú y; thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.

Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông; đồng thời phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế.

*UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa ban hành Văn bản 3099/UBND-VP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định. Các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên, đoàn viên, cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh dại; giám sát, vận động người nuôi chó, mèo phải thực hiện khai báo, nuôi nhốt, tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh theo quy định.

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật và công tác quản lý đàn chó, mèo; xây dựng kế hoạch và phương án chuẩn bị vaccine, hóa chất để thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh; không thả rông, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung; chủ động phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi...

Các sở, ngành liên quan tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ đúng quy định, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm đến hết ngày 4/3/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 422 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Tỉnh cũng ghi nhận 1 ổ dịch bệnh dại trên động vật (chó) tại huyện Châu Đức và 1 ổ dịch nghi dại trên động vật (chó) tại huyện Đất Đỏ./.

Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực