|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Công tác phòng, chống tác hại thuốc là (PCTHTL) được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng và đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tăng thuế để giảm tiêu dùng thuốc lá được coi là một trong các biện pháp hiệu quả đã được chứng minh; tỷ lệ sử dụng sản phẩm thuốc lá đã giảm, đặc biệt là trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Kết quả điều tra năm 2020 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) đã giảm xuống còn 13%; nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc ngày càng cao. Đồng thời, tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng. Cụ thể, trong 5 năm (từ 2015-2020), tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020...
Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại các tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện năm 2020 cho thấy so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 45,3% xuống 42,3%, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với năm 2015 như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/ cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.
Ngoài ra, nhận thức về tác hại của thuốc lá năm 2020 phần lớn cao hơn năm 2015, lần lượt 96,2% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81,1% tin rằng hút thuốc lá gây đột quy, 77,8% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72,2% tin rằng hút thuốc là gây ra cả 3 bệnh trên. 65,2% người dân đã từng nghe tới Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.
Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippine. Theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%. 53,5% người không hút thuốc lá (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. 36,8% người không hút thuốc lá (tương đương 5,9 triệu người) làm việc tại các khu vực trong nhà (có mái che và tường bao) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc. 18,5% người không hút thuốc lá (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Các chuyên gia cũng cảnh báo một thách thức nữa với công tác phòng chống tác hại thuốc lá là sự xuất hiện của các loại thuốc lá mới, như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha. Các loại thuốc lá mới này chủ yếu pha trộn các hương liệu với nicotine, dẫn đến có khả năng trộn lẫn ma túy nên nguy cơ gây hại với sức khỏe là rất lớn. Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, hiện Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ…
Mặc dù số người hút thuốc lá có xu hướng giảm do ý thức tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường, nhưng Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá xuống còn 39% vào năm 2020. Trong đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và cả xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá; khơi dậy thế hệ trẻ nói không với thuốc lá; tuyên truyền việc thực hiện đúng các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Công ước khung FCTC. Đồng thời, tăng cường quản lý và phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị của các công ty thuốc lá trên báo chí./.