Sáng 21/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Các nội dung lớn đã được tiếp thu tối đa
|
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: PT) |
Trình bày báo cáo Rà soát công tác chuẩn bị và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét, quyết định nhiều nội dung, trong đó có việc xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Chỉ đạo Vụ chuyên môn tổng hợp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp thứ 18; Phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật liên tục từ ngày 15-19/12/2022.
Về nội dung tiếp thu, giải trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các nội dung lớn của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thống nhất tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt là quy định liên quan đến Hội đồng Y khoa Quốc gia, theo đó, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có các nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…
Về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Ủy ban đã đôn đốc Bộ Y tế, cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Báo cáo của Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp về y tế liên quan đến phòng, chống COVID-19 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trước ngày 01/01/2023 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược sớm hoàn thiện Báo cáo, Tờ trình gửi Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, tới đây, Ủy ban sẽ tổ chức Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 8 để thẩm tra chính thức Báo cáo và Tờ trình của Chính phủ vào ngày 22/12/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh; Tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trên cơ sở Báo cáo (mới) và Tờ trình của Chính phủ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các thành viên Ủy ban tại phiên họp toàn thể lần thứ 8. Chậm nhất là ngày 30/12/2022, Ủy ban sẽ hoàn thiện các Báo cáo thẩm tra Báo cáo và Tờ trình của Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp (Ảnh: PT) |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện các hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nội dung tiếp thu đến thời điểm này đã cơ bản đầy đủ và toàn diện, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thể hiện được tinh thần, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện hơn.
Về báo cáo liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ, sẽ ban hành Tờ trình chung và ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này. Thủ tục hồ sơ đã tương đối sẵn sàng. Bộ trưởng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xem xét, thông qua trong Kỳ bất thường sắp tới.
Cần bố trí thời gian thảo luận thỏa đáng
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp (Ảnh: PT) |
Phát biểu tại phiên họp, về nội dung liên quan đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết 30, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tích cực ngày đêm để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, phải gửi tài liệu tới các đại biểu Quốc hội trước ngày 29/12 mới có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bố trí thời gian một buổi để thảo luận tại Hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đảm bảo dung lượng đầy đủ để các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gấp và có nhiều nội dung quan trọng, do vậy đối với hai nội dung quan trọng là Quy hoạch tổng thể quốc gia và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải bố trí thời gian thỏa đáng và hợp lý, đồng thời phải đảm bảo chất lượng.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tăng thời gian thảo luận tại Tổ, tại Hhội trường về hai nội dung này, còn tăng bao nhiêu thời gian thì cân đối với các nội dung khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ví dụ như với các nội dung về tài chính, ngân sách không có gì vướng, đưa ra Quốc hội thì cơ bản thống nhất cao.
Riêng về nắm tình hình Nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trong công văn triệu tập đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Tổng Thư ký Quốc hội, đề nghị các đoàn ĐBQH có hình thức thích hợp để nắm tình hình Nhân dân và có báo cáo để gửi Ban Dân nguyện tổng hợp và báo cáo Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, khi tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Nhân dân rất quan tâm đến Kỳ họp bất thường này dù mới chỉ có dự kiến.
Đồng thời Quy hoạch tổng thể quốc gia và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau trong Nhân dân và cử tri, do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nên nắm tình hình Nhân dân thông qua các biện pháp thích hợp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn ĐBQH phải có trách nhiệm tổng hợp tình hình Nhân dân trước và tổng hợp, coi đây là công tác dân nguyện trong tháng 1/2023 thì sẽ hợp lý hơn và có điều kiện để nắm tình hình Nhân dân trước, trong và sau Kỳ họp./.