|
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Minh Dung) |
Ngày 11/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy chỉ trì cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch Sởi trên địa bàn, trực tuyến đến UBND 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Nga cho biết, số ca sởi mắc mới tại TP tăng hàng ngày. Trong tuần thứ 36 ghi nhận 98 ca Sởi tại TP, tăng 33,8% so với trung bình 4 tuần trước, không có ca tử vong.
Tính từ đầu năm đến nay, TP đã có 581 ca Sởi. Về quy mô, 16/22 quận, huyện, TP Thủ Đức có ca mắc mới tăng so với trung bình 4 tuần trước; 172/312 phường xã có ca bệnh và 48 phường xã có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước.
TP cũng ghi nhận 5 ổ dịch sởi tại 5 trường tiểu học ở quận 7, Bình Chánh, Tân Phú, TP Thủ Đức, cảnh báo nguy cơ bùng dịch trong trường học. Các ổ dịch sởi đều phát sinh trong trường tiểu học kể từ ngày khai giảng đến nay. Trong đó, trường Phạm Hữu Lầu (quận 7) ghi nhận 4 ca; huyện Bình Chánh xuất hiện hai ổ dịch tại trường Huỳnh Văn Bánh ghi nhận 3 ca, trường Lại Hùng Cường 2 ca. Trường Võ Thị Sáu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) ghi nhận 2 ca và trường Nguyễn Văn Tây (TP Thủ Đức) xuất hiện 3 ca. Hầu hết các học sinh mắc bệnh đều chưa tiêm đủ mũi vaccine Sởi.
Bà Lê Hồng Nga nhận định, dịch Sởi tại TP đang tăng rất nhanh theo đường thẳng đứng, tăng cả về số lượng và đang lan rộng về phạm vi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi vẫn còn thấp. Từ ngày 31/8 đến ngày 9/9, TP tiêm được 28.229 mũi vắc xin, trong đó 19.821 mũi vắc xin cho trẻ từ 1-5 tuổi, 5.260 mũi vắc xin cho trẻ từ 6-10 tuổi, 3.148 mũi vắc xin với trẻ nguy cơ và nhân viên y tế.
Bà Lê Hồng Nga đề xuất giải pháp cho chiến dịch tiêm vắc xin là cần hoàn thành công tác điều tra trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc xin Sởi. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho 70% số trẻ từ trẻ 1 đến 5 tuổi còn lại và nhóm trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Triển khai nhiều điểm tiêm chủng tại trạm y tế, trường học, cơ sở tư nhân. Tổ chức tiêm chủng trong trường học để đẩy nhanh tiến độ. Công tác tiêm chủng phải hoàn thành trong tháng 9; riêng nhóm 6 đến 10 tuổi đồng loạt tổ chức tiêm trong tuần sau (tuần thứ 3 của tháng 9).
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch trường học, trong bối cảnh học sinh trở lại trường. Do đó, các trường cần triển khai hệ thống giám sát trẻ sốt, báo cáo để cảnh báo ngay, theo dõi sát. Khi học sinh có dấu hiệu phát ban phải tiến hành xử lý ổ dịch ngay.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu đề nghị các địa phương tiến hành song song hai việc là vừa tiếp tục rà soát vừa tổ chức tiêm chủng, không đợi đến khi rà soát đủ mới tổ chức. Trên thực tế, số ca Sởi đang tiếp tục gia tăng song tiến độ tiêm chủng cho trẻ ở các địa phương còn khá chậm. Có những quận không tổ chức hoặc tổ chức rất ít điểm tiêm chủng tại trường học.
Trước tình hình xuất hiện các ổ dịch Sởi trong trường học trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 7 và TP Thủ Đức tập trung ưu tiên tổ chức tiêm tại các phường xã có trường học đã ghi nhận ổ dịch sởi. Đồng thời lưu ý những quận, huyện địa bàn rộng như TP Thủ Đức, vùng ven cần tăng tốc chủng ngừa để đạt mục tiêu gấp rút tăng tỷ lệ tiêm vaccine Sởi lên cao nhất có thể./.