Triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030

Thứ năm, 08/06/2023 20:21
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. Mỗi ngày có xấp xỉ 21.000 người chết và trung bình 4 giây có 1 người chết do thuốc lá.

Ngày 8/6 tại Hà Nội, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 nhằm nhanh chóng đưa những nội dung của Chiến lược này vào thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ngày 24/5/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐT

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Cùng với đó, tỷ lệ hút thuốc có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển. Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. Mỗi ngày có xấp xỉ 21.000 người chết và trung bình 4 giây có 1 người chết do thuốc lá.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

“Tình hình vi phạm pháp luật về PCTHTL còn diễn ra tương đối phổ biến, điển hình là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá còn cao; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL còn chưa được thực hiện thường xuyên; dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác PCTHTL; công tác phối hợp liên ngành trong PCTHTL còn hạn chế và chưa được quan tâm tại các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Căn cứ trên những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá thời gian qua, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành và các cơ quan liên quan xây dựng, trình và được phê duyệt “Chiến lược quốc gia PCTH thuốc lá đến năm 2030”.

Thông qua những mục tiêu, các giải pháp về PCTHTL của Chiến lược, một lần nữa khẳng định mạnh mẽ cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc tăng cường công tác PCTHTL cũng như định hướng cho công tác PCTHTL trong thời gian tới. Đây là văn bản đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức mới trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá... đe dọa những thành quả mà Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện trong những năm qua.

Về nội dung chính, Chiến lược đã đặt ra các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn thực hiện, trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% và ở nữ giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại nhà hàng xuống dưới 65%, tại quán bar/cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50% và tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐT 

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng: Các giải pháp đặt ra trong Chiến lược cũng chính là những nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung một số nhiệm vụ quan trọng như: Ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên, qua đó trực tiếp hạn chế nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác, các chất ma túy thông qua hình thức này; Chính sách tăng thuế với các sản phẩm thuốc lá, phát triển các dịch vụ tư vấn và điều trị cai nghiện; Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong thực thi Luật PCTHTL, kiểm tra, xử phạt về PCTHTL; Tăng cường, đổi mới, đa dạng hoá hình thức trong truyền thông về PCTH thuốc lá; đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về PCTHTL tại các cơ sở giáo dục;...

Trong Chiến lược đã được phê duyệt, vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cũng đã được cụ thể hoá, làm cơ sở thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Chiến lược.

Các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức sẽ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị để tổ chức thực hiện cũng như phối hợp và đồng hành với Bộ Y tế (cơ quan được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện Chiến lược) trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đạt được cao nhất các mục tiêu Chiến lược đã đặt ra./.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực