Động lực then chốt giúp DN phát triển bền vững
KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của các DN, đơn vị khác nhau, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho DN.
|
Ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, giảm giá thành...
Ảnh minh họa: Bích Liên
|
Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) là một trong những DN điển hình trong ứng dụng KHCN vào sản xuất. Theo đó, việc ứng dụng KH&CN của ThaiBinh Seed đã được thực hiện chủ động, đồng bộ toàn diện phù hợp với từng giai đoạn. Ngay từ năm 2002, ThaiBinh Seed đã thành lập phòng nghiên cứu phát triển; năm 2007 thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; năm 2019, thành lập Viện Nghiên cứu cây trồng. Đây là viện nghiên cứu trực thuộc DN đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam và khối DN Thái Bình.
ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển (giai đoạn 2025 – 2030) theo hướng ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp mới; chọn tạo nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu và đặc biệt khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Nhờ ứng dụng KH&CN trong sản xuất, ThaiBinh Seed đã xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Lúa giống Thái Bình”, xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “Gạo Thái Bình”; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. Mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, tiếp tục xây dựng Thái Bình thành một trung tâm giống cây trồng ở miền Bắc và cả nước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ThaiBinh Seed cho biết, chúng ta đang chứng kiến sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều đó đồng nghĩa với quá trình chuyển giao KH&CN của thế giới vào nền kinh tế Việt Nam, sản phẩm chất lượng cao và trình độ quản lý hiện đại sẽ cạnh tranh quyết liệt với chúng ta ngay trên sân nhà.
Cũng như ThaiBinh Seed, một số DN, tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đã đầu tư mạnh cho KH&CN với mong muốn sớm đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ có chất lượng, nâng tầm giá trị thương hiệu, sản phẩm Việt Nam. Dự kiến, quý I/2020, Viettel sẽ khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao trên diện tích 9,1ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tiếp theo đó, Viettel cũng sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Viettel trên diện tích 13,2ha. Đây được coi là khu nghiên cứu R&D quy mô lớn - vườn ươm cho những dự án trọng điểm của Viettel như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, thiết bị điện tử viễn thông, hạ tầng mạng 5G, IoT...
KH&CN thúc đẩy kinh tế địa phương
Xuất phát từ vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất, khai thác hiệu quả các sản phẩm có lợi thế của địa phương.
Khó khăn lớn nhất của tỉnh Hà Giang là thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất tại các huyện vùng cao biên giới. Nhiều năm qua, các nhà quản lý, nhà khoa học đã trăn trở tháo gỡ, đưa ra nhiều giải pháp, bước đầu cải thiện phần nào về cấp nước sinh hoạt. Song những giải pháp này chỉ mang tính tình thế, qua thời gian bộc lộ không ít bất cập, thiếu vững bền.
Để giải quyết tình trạng trên, Hà Giang đã triển khai dự án Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Dự án Kawatech) thuộc Chương trình hợp tác quốc tế theo Nghị định thư của Bộ KH&CN.
Dự án Kawatech đã đưa hệ thống bơm PAT của Cộng hòa Liên bang Đức với công nghệ không dùng điện triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Với 1.600m3 nước/ngày đêm bơm lên độ cao gần 600m đã cấp đủ nước cho toàn bộ hơn 2.000 hộ dân thị trấn huyện lỵ Đồng Văn và một số khu vực phụ cận.
Sự thành công của Dự án Kawatech đã tạo ra bước đột phá về công nghệ khai thác nước bền vững trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, mở ra hướng đi mới cho tỉnh trong việc lựa chọn giải pháp cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các vùng khó khăn, thiếu nước.
Có thể nói, đây là dự án KH&CN điển hình và thực tiễn nhất, được chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang đánh giá cao. Đồng thời, là minh chứng cho thấy, các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều dự án khác như ứng dụng công nghệ hạ thủy phần mật ong bạc hà; nghiên cứu phát triển sản phẩm dược liệu từ giảo cổ lam, ấu tẩu; xây dựng trung tâm bảo tồn, nhân giống Bò Vàng... cũng đang phát huy hiệu quả cao.
Đại diện UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hoạt động ứng dụng KH&CN của tỉnh những năm qua đã từng bước đạt được kết quả khích lệ. Nhận thức về vai trò KH&CN của các cấp ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Ngân sách đầu tư cho KH&CN tăng, đã huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã; thu hút nhiều đề tài, dự án từ các chương trình của Trung ương. Nhiều sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản có thế mạnh của các địa phương trong tỉnh được xây dựng thương hiệu và phát triển thành hàng hóa chủ lực, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, kết quả ứng dụng KH&CN của DN đạt được trong thời gian qua ngoài sự cố gắng của chính họ còn nhờ sự giúp đỡ của nhà nước. Đặc biệt, nhờ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN như Luật KH&CN, Luật chuyển giao KH&CN, DN được tham gia các đề tài, dự án khoa học của nhà nước, được trích 10% lợi nhuận trước thuế vào quỹ phát triển KH&CN của DN, miễn thuế thu nhập DN đối với DN KH&CN… Đây chính là nguồn lực nhà nước giúp cho DN phát triển hơn trong sản xuất./.