(ĐCSVN) - Hiện nay, mức độ sử dụng phân bón hóa học ở nước ta rất cao, gấp 2 lần so với mức trung bình của thế giới. Đây cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng... Khắc phục tình trạng này, việc nghiên cứu, ứng dụng phân bón sinh học vào sản xuất được coi là giải pháp hữu hiệu.
Sử dụng phân bón sinh học trong trồng lúa tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Anh Sơn)
Theo Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam, tính đến thời điểm này Việt Nam không có đơn vị nào nhập khẩu phân bón sinh học do chi phí vận chuyển tốn kém đẩy giá thành lên cao. Điều quan trọng là các loại phân đưa từ nước ngoài về không phù hợp với đất đai, khí hậu và cây trồng của Việt Nam. Trong khi đó loại phân bón này hoàn toàn có thể sản xuất tại chỗ từ các nguồn nguyên liệu có sẵn dồi dào và chất lượng cao tại các trang trại chăn nuôi, các nhà máy, công ty chế biến nông lâm sản trên cả nước.
Hơn nữa, một thực tế trong sản xuất mà người nông dân đang phải đối mặt là, từ năm 2003 đến nay, giá phân bón vô cơ tăng khoảng 25-30%/năm, riêng giá phân urê tăng tới 40-45%/năm, DAP – 60-65%/năm, trong khi đó giá nông sản nhìn chung không tăng hoặc tăng không kể khiến cho đầu tư sản xuất cao, giá trị hàng hoá thu được không tăng, thậm chí còn giảm, gây càng nhiều khó khăn cho nông dân.
Đối với phân bón vô cơ đa lượng (đạm, lân và kali) đang được sử dụng hiện nay thì Việt Nam đang phải nhập khoảng 65% phân đạm, khoảng 35% phân lân và 100% phân kali nguyên chất. Xuất phát từ đó, vấn đề đặt ra là cần đánh giá hiện trạng hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay cho cây trồng và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình nông dân, các trang trại theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo TS Lê Văn Tri, Chủ tịch Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam, để sản xuất phân bón sinh học phải có nguồn nguyên liệu hữu cơ, trong khi tại Việt Nam nguồn nguyên liệu này rất dồi dào và phong phú về chủng loại và trữ lượng như: than bùn; bãi thải mía, đường, cà phê; phế thải ngô, lạc, đậu tương; phân lợn, trâu, bò gà; bùn đáy ao nuôi thủy sản… Như vậy, hàng năm chúng ta có thể khai thác 200 triệu tấn bã thải hữu cơ các loại với khối lượng gần 7.000 triệu m3 than bùn có sẵn làm nguyên liệu sản xuất phân bón sinh học.
Lợi ích của phân bón sinh học trong sản xuất nông nghiệp là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, có tác dụng cân bằng hệ sinh thái; không làm thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất; có tác dụng đồng hóa các chất dinh dưỡng, tăng năng suất và chất lượng nông sản; có tác dụng tiêu diệt vi sinh vật gây hại cho cây trồng có trong đất, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh cho cây…
Theo Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam, thời gian qua thực hiện nhiều dự án, đề tại chuyển giao công nghệ tại nhiều địa phương cho thấy, việc ứng dụng phân bón sinh học vào trồng trọt đã làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
Cụ thể, việc sử dụng phân bón sinh học cho cây mía tại Thanh Hóa, Nghệ An đã làm tăng năng suất mía từ 8,4-9,7 tấn/ha (tương ứng 9,3-10,8%) và chất lượng mía được cải thiện đáng kể so với việc sử dụng phân bón vô cơ.
Đối với cây cà phê, việc ứng dụng phân bón sinh học tại Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh phân bón Vinacafe giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất từ 750-870kg tấn hạt khô/ha, tăng 11,2-13,0% so với phân bón vô cơ.
Đối với cây lúa, việc ứng dụng phân bón sinh học tại hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông - Sơn Tây góp phần làm tăng năng suất lúa so với phân vô cơ từ 480-560 kg/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,78-2,73 triệu đồng/ha.
Với cây cao su, việc ứng dụng phân bón sinh học tại Công ty TNHH MTV Cao su Eah’leo – Đăks lắk, Binh Đoàn 15 (Gia Lai) cho thấy cây sinh trưởng tốt, năng suất mủ cao su mỗi chu kỳ tăng từ 5,7-8,5% so với lô cao su sử dụng phân vô cơ.
Bên cạnh đó, với nhiều loại cây trồng khác như cây ngô, cây rau, cam, hồi, thanh long…việc sử dụng phân bón vi sinh cũng làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường ở nhiều địa phương trong tỉnh.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới - TARCC) , sản xuất và sử dụng phân bón thế hệ mới, trong đó có phân bón sinh học là một trong những xu hướng ứng dụng kỹ thuật cao trong nông nghiệp hiện nay. Phân bón này giúp tăng năng suất cây trồng, cải tạo đất và không gây tác hại đến môi trường. Xu hướng nghiên cứu và sản xuất hiện nay tập trung vào các loại phân hữu cơ từ than sinh học (biochar), phân bón chuyên dùng, phân bón chức năng, phân bón công nghệ nano,…
Trong đó, biochar được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng tuyệt vời của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Biochar được sản xuất từ đủ loại chất hữu cơ (như các loại vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ dừa, bã mía,…) với công nghệ sản xuất đơn giản có thể tăng năng suất cây trồng từ 30-200%.
Không như phân bón hóa học, biochar có thể tồn tại lâu trong đất, ngoài giữ nước và tăng năng suất đất còn tăng cường chuyển hóa các chất, cải thiện việc giữ dưỡng chất trong đất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Ngoài ra, các loại phân bón chuyên dùng, phân bón chức năng, phân bón đa chức năng được sản xuất để đáp ứng các yêu cầu sử dụng khác nhau của từng loại đất, loại cây trồng nhưng đều nhắm đến hiệu lực nông học, hiệu quả kinh tế, bảo vệ cây, bảo vệ đất, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu sự tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu mà cụ thể là sự dâng lên của mực nước biển, xâm thực và nhiễm mặn đất nông nghiệp… Cho đến nay, các chất thải vật nuôi của Việt Nam vẫn chưa được xử lý nhiều, hoặc có xử lý nhưng công nghệ xử lý chưa triệt để. Việt Nam chưa thu hút được sự đầu tư ở nhiều thành phần kinh tế vào lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Nhận thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường đặc biệt là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi còn hạn chế, sự quản lý nhà nước về môi trường chưa đáp ứng được các bất cập hiện nay.
Do vậy, những biện pháp xử lý môi trường như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào nâng cao nhận thức cho cộng đồng đang đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học, các thành phần kinh tế và người chăn nuôi cần có những giải pháp và đưa ra hướng xử lý. Trong đó, việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng phân bón sinh học trong trồng trọt là một giải pháp hữu hiệu.
Theo TS Lê Văn Tri, tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng cây trồng, thong thời gian tới Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam sẽ tiếp tục xử lý tận thu các nguồn phế thải hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất, hoàn thiện và nâng cấp công nghệ vi sinh, cải tạo giống, tạo tổ hợp vi sinh có chất lượng cao phù hợp cho các sản phẩm phân bón mới, chú trọng phân bón bảo vệ thực vật.
Bích Liên