Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho công tác dân số

Thứ ba, 26/12/2023 16:04
(ĐCSVN) - Công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số...

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2023, với chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2023. 

Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326-TTg lấy ngày 26/12 hằng năm làm Ngày Dân số Việt Nam và ngày 26/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg lấy tháng 12 hằng năm là “Tháng hành động quốc gia về dân số”, với mục đích nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12), Bộ Y tế đã chọn chủ đề: "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân, Chương trình Dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng như: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công; mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Đáng chú ý, từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho họ; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp. Đồng thời, các cấp đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại lễ mít tinh. 

Cùng với đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành, hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) của người Việt Nam năm 2023, là 73,8 tuổi; tỷ số lệ giới tính khi sinh cả năm 2023 ước cả năm là 113,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại năm 2023 tại 48 tỉnh, thành phố là gần 4,5 triệu người, đạt 110%; số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm máu gót chân (ít nhất 2 bệnh) đạt 59,91% số trẻ mới sinh năm 2023...

Đáng chú ý, kết quả giám sát cho thấy, hầu hết trạm y tế tại địa bàn được giám sát đều có cán bộ y tế có khả năng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản thường xuyên như khám thai, khám phụ khoa, đặt dụng cụ tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai, cung cấp bao cao su. Nhiều địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động, mô hình nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em, xây dựng các chuẩn mực giá trị phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả bình đẳng giới.

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh, thành phố; cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành dân số liên tục biến động, đặc biệt là tuyến cơ sở, đội ngũ cán bộ chuyên trách và công tác viên dân số thường xuyên thay đổi; kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu; nội dung truyền thông còn chưa đa dạng, phong phú và chưa bao trùm đến từng nhóm đối tượng của chương trình dân số và phát triển hiện nay.

Thời gian tới, Cục Dân số đặt mục tiêu nâng tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của người dân lên 73,9 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,1 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ. Giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB) xuống -0,1 điểm phần trăm so năm 2023; điều chỉnh mức sinh (+/-CBR) ở tỉ lệ +0,3‰ so với năm 2023. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm đạt trên 5 triệu người. Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn xuống 15% so với năm 2023; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), đủ 4 bệnh đạt 50%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh), đủ 5 bệnh đạt 60%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng thêm 11% so với năm 2023.

Cục cũng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Luật Dân số theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Bộ Y tế, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc đề xuất Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực