Các hành vi bạo lực, hành hung bạn cùng lớp, cùng trường... có lẽ đã không còn quá cá biệt, hiếm hoi trong môi trường học đường hiện nay. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng Khoa Quản lí (Học viện Quản lí giáo dục).
Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, dưới góc độ chuyên môn, Tiến sĩ có thể cho biết nguyên nhân tâm lí cơ bản và là mấu chốt của hiện trạng trên là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Theo tôi, hiện trạng trên do một trong các nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng từ 12-17 tuổi. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người. Cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân cao (mà không biết sử dụng đúng cách) khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động, kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo.
Thứ hai, do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử của bản thân và sự non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống, chưa định hình được lí tưởng sống dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động.
Thứ ba, do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ. Một số cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái, ít quan tâm tới con hoặc phụ huynh bị stress và xả stress bằng bạo hành con cái gây ra những tổn thương trong tâm hồn trẻ không thể chữa lành, dẫn đến hình thành những nhân cách méo mó về giá trị sống.
Cuối cùng, do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như: Phim ảnh, sách báo, games bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng...). Hiện nay, các trò chơi trên mạng internet có tới 77% là trò chơi là đánh nhau, giết người. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông, các hình ảnh bạo lực xuất hiện quá nhiều. Các bộ phim hành động kinh dị, xã hội đen đua nhau trình chiếu trên tivi, internet, hoặc phát tán qua đĩa, ổ lưu trữ… mà các em được xem, được sử dụng từ bé nên đã tác động đến nhận thức, hành vi của các em trong suốt quá trình phát triển.
Có thể thấy, nguyên nhân tâm lý của bạo lực học đường ít được các nhà giáo dục, các nhà xã hội, các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức. Mỗi người có một phong cách sống khác nhau. Không ai kiểm soát được diễn biến tâm lý xảy ra hằng ngày với người đó. Do vậy, không ai nghĩ đến việc cần ngăn chặn bạo lực học đường từ ngay các bạo lực trong đời sống nội tâm... Nguyên nhân tâm lý bị xem thường đó lại là nguyên nhân chính.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng Khoa Quản lí, Học viện Quản lí giáo dục. (Ảnh: KC)
Phóng viên: Để giải quyết được vấn đề bạo lực học đường từ "gốc”, chúng ta cần làm gì, và bắt đầu từ đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Một là, về phía gia đình, cần có sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Ít nhất, cha mẹ cần phải nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường ở con cái. Gia đình phải tạo lập cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực. Cha mẹ và người thân phải thấu hiểu con cái để định hướng việc học tập, rèn luyện chứ không đặt ra kỳ vọng quá cao, gây áp lực cho con cái. Khi con chưa thành công phải biết động viên, khích lệ con vượt qua khó khăn chứ không phải mắng nhiếc… Ngay từ bé, các em phải được hưởng sự đối xử dễ chịu trong các cách ứng xử, dạy giải quyết xung đột bằng phương pháp không bạo lực…
Hai là, về phía nhà trường, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người xung quanh.
Nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh hơn là chạy theo bệnh thành tích để áp đặt lên vai các em những ước muốn của người lớn. Cần đưa vào nội dung giáo dục giúp học sinh có được kỹ năng làm chủ cái “tâm”, vốn được xem là “kiến trúc sư” của hành vi.
Hiện nay, nhà trường mới nghiêng về việc thực hiện kỷ luật và khen thưởng để giáo dục học sinh. Khen thưởng những ai có thành tích và kỷ luật những ai có hành vi trái với phép tắc được đặt ra, nặng hay nhẹ tùy theo tình huống. Đó mới chỉ là cách ngăn chặn, thông qua sự trừng phạt, vô hình chung dấy lên sự sợ hãi để các em tránh vi phạm. Nếu chúng ta không có những bài học về đạo đức giúp cho các em vượt qua những khó khăn khi những bạo lực trỗi dậy trong tâm, các em sẽ không có kỹ năng vượt lên như thế nào. Khi tình huống ngang trái xảy ra thì các em lại tiếp tục trở thành nạn nhân của chính mình, đồng thời gây khổ đau cho bạn đồng lứa, cho người khác. Do đó, hãy dạy các em kỹ năng xử lý tình huống, khả năng kiềm chế cảm xúc…
Trong trường học, cần xây dựng hành vi, giảng giải cho học sinh những hành vi tốt nên làm. Hãy bớt đi các lệnh cấm, thay vào đó là các khẩu hiệu định hướng hành động. Chẳng hạn, “Điều gì mà mình không muốn thì đừng làm với người khác”; “Là một công dân văn minh thì không nói tục, chửi bậy”…Tôi không đồng tình với việc cứ học sinh đánh nhau là đuổi học.
Nhà trường là môi trường giáo dục. Hãy tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe các em nói để thấu hiểu. Lựa chọn biện pháp giáo dục bằng kỷ luật tích cực. Khi các em va vấp, cả nhà trường và gia đình phải cảm hoá các em bằng tình yêu thương, vì chỉ có tình yêu bao dung, nhân hậu mới có thể cảm hóa được con người quay về với chính nghĩa. Các thầy cô giáo, những nhà giáo dục cần hiểu rằng: Những hành vi tiêu cực/mắc lỗi của học sinh thường do những khó khăn mà học sinh gặp phải trong cuộc sống gây ra, tác động đến hành vi của các em. Khó khăn của học sinh có thể bao gồm những khó khăn trong học tập, những vấn đề trong gia đình, những bức xúc mà học sinh gặp phải khi bị đối xử tàn tệ, bị tổn thương tâm lý, bị hiểu lầm... Việc tìm hiểu những trở ngại trong học tập và những khó khăn về mặt tâm lý của học sinh sẽ giúp giáo viên không cần phải dùng đến trừng phạt thân thể mà vẫn giáo dục có hiệu quả.
Ba là, về phía xã hội, phải đề cao vai trò của xã hội, của các tổ chức, đoàn thể, vì đó là những kênh có ảnh hưởng lớn đến các em. Học sinh thì phải có hoạt động đoàn, hội, thông qua đó để giáo dục nhân cách các em. Phải có chiến lược về giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục cách ứng xử để học sinh có được những hành vi đúng. Chiến lược phải có tầm quốc gia, thu hút các đoàn thể tham gia để cùng nhà trường, gia đình giáo dục nhân cách học sinh, chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình, nhà trường. Có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp cận rộng rãi hơn, sâu sắc hơn trong việc giáo dục nhân cách học sinh. Cần có ý kiến cụ thể cả với các cơ quan truyền thông để tăng cường việc tuyên truyền các tấm gương tốt; kiểm soát cách thông tin về các vụ bạo lực; kiểm soát phim ảnh bạo lực… Cần phải quản lý học sinh một cách hiệu quả, vừa ở ngoài đời thực lẫn ở trên mạng xã hội. Đừng để một đám đông nhốn nháo, vô phương hướng chi phối suy nghĩ, hành động của các em. Đừng để những thói hư tật xấu của xã hội xảy ra, lây nhiễm vào các em mà không thông qua một lăng kính gạn lọc.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, mọi vấn đề nhức nhối trong xã hội đều có liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề - vấn nạn khác. Ví như để ngăn chặn bạo lực học đường, cần phải tạo cho các em một gia đình êm ấm, hạnh phúc, nhưng để các gia đình được hạnh phúc lại phải giải quyết các vấn đề liên quan như: Xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ, làm tốt công tác dân số…
Khi mọi người trong xã hội chung tay ngăn chặn bạo lực học đường, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa được đưa ra và thực hiện.
Từ khi sinh ra, trẻ em đã luôn có một tâm hồn trong sáng. Và khi lớn lên, môi trường gia đình và xã hội mới ảnh hưởng đến tính cách, hành vi của chúng. Bởi vậy, để giải quyết triệt để vấn đề bạo lực học đường, cần đến sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Không có một giáo trình đầy đủ nào cho mọi gia đình, cho việc dạy bảo mọi đứa trẻ. Không thể và cũng không nên giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào trong nhà trường.
Hãy bắt đầu bằng sự gương mẫu của người lớn, bằng lòng vị tha và một phương pháp mềm dẻo...
Giáo dục kỹ năng sống bắt đầu từ gia đình. Cha có thể dạy con tính trung thực mạnh mẽ đối với con trai. Mẹ có thể dạy con gái đức hiền lành, chăm chỉ, nhân hậu... và truyền lại những cách thức xử lý tình huống cụ thể trong cuộc sống. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng kết hợp chặt chẽ với nhau, hướng tới một mục đích chung cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh; giúp học sinh có tâm hồn lành mạnh, có đạo đức trong sáng, có tri thức và biết chia sẻ, bao dung...
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!