Việt Nam tham gia thị trường thảo dược toàn cầu

Thứ hai, 01/05/2023 10:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Việt Nam hiện đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng...

Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam được đánh giá có nhiều nguồn thảo dược đa dạng, phong phú, quý hiếm. Việt Nam cũng đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng...

Theo dự báo của các đơn vị, tổ chức quốc tế đến năm 2030 thị trường dược liệu toàn cầu sẽ đạt mức 400 tỷ USD.

Theo ông Ngọc, trong bối cảnh hiện nay, để tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu, Việt Nam cần phải đầu tư khoa học công nghệ, giống, vốn, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.

Việt Nam được đánh giá có nhiều nguồn thảo dược đa dạng, phong phú, quý hiếm. (Ảnh minh họa. Ảnh: The Thaiger) 

Theo đó, phải phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu. Bên cạnh đó, cần có các quy mô đủ lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, cũng như phải tuân thủ được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển cho các loại dược liệu; các chứng nhận hữu cơ theo yêu cầu, an toàn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng là cần kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu theo yêu cầu về sản xuất dược liệu hữu cơ, sản xuất dược liệu sạch. Trong thời gian này, cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu để đa dạng hóa, gia tăng các chuỗi giá trị của các sản phẩm về dược liệu, bao gồm các sản phẩm về thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản phẩm về sức khỏe hay hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có những giải pháp như từng bước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ dược liệu, để đảm bảo các nhà mua hàng có thể truy xuất được xuất xứ của dược liệu cụ thể.

Cùng với đó là xây dựng các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới). Từ đó tiến tới các dược liệu hữu cơ, đảm bảo đầu ra tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước, cũng như các giới hạn vi sinh vật, giới hạn bảo vệ thực vật.

Giải pháp nữa cũng được tính đến là tập trung đầu tư xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Theo ông Trần Minh Ngọc, để thúc đẩy và tham gia sâu hơn vào thị trường dược liệu toàn cầu, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực dược là rất cần thiết.

Trên thực tế, Bộ Y tế đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển, với việc áp dụng công nghiệp mới, hiện đại trong bào chế, sản xuất và phân phối.

Cụ thể, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Đồng thời đưa ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về giải pháp về thể chế, pháp luật; giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế; giải pháp thông tin và truyền thông.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và UBND các tỉnh thành phố tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

"Đây là chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp để từng bước hình thành vùng trồng dược liệu quý với mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư vào vùng trồng này khoảng 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đầu tư ở các vùng này sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm trong thời gian 3 năm", Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, y dược cổ truyền Trần Minh Ngọc cho biết…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực