Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước

Thứ năm, 27/07/2023 11:29
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y - Dược Huế thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh uỷ về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”…
Các đại biểu tham dự và chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Lê Đức Hy)

Chiều 25/7, tại Trung tâm Y tế thành phố Huế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác y tế nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm theo Kế hoạch năm 2023 và định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tê tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nhiệm vụ của Ngành theo đúng kế hoạch và đạt tiến độ. Hoạt động Khám chữa bệnh của các cơ sở dần dần được khôi phục và tăng mạnh so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022Tổng số lượt KCB đạt 1.161.889 lượt (so với cùng kỳ tăng 35,14%). Tổng lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 153.440 (tăng 27,94%) .

Công tác phòng, chống dịch chủ động luôn được đặt lên hàng đầu và tập trung chỉ đạo quyết liệt, nên tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát; đặc biệt khống chế dịch sốt xuất huyết và hạn chế tối đa trường hợp tử vong xảy ra. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT thanh tra y tế và quản lý hành nghề y, dược tư nhân được chú trọng và đẩy mạnh. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế dự phòng, khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ rõ rệt, là động lực quan trọng cho sự phát triển của Ngành.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch. Tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao (điển hình là ở tuyến y tế cơ sở và các bệnh viện chuyên khoa) đang ảnh hưởng đến việc triển khai các kỹ thuật chuyên môn. Cơ sở vật chất tại nhiều bệnh viện có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng như ở: Bệnh viện YHCT, TTYT Thành phố, Trung tâm VCCC,…

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Lê Đức Hy) 

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2023,  ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y - Dược Huế thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh uỷ về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Các Nghị quyết số 18,19,20,21 của Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng (khóa XII).

Tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về việc phòng, chống dịch. Đẩy nhanh công tác tiêm chủng phòng COVID-19 theo quy định. Thực hiện các hoạt động về kiểm soát bệnh tật. Đồng thời đảm bảo hoàn thành các chương trình mục tiêu y tế theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Tăng cường nâng cao chất lượng công tác ATTP, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, phát triển dịch vụ kỹ thuật mới và đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành nghề y, dược, thẩm mỹ, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, dân số, BHYT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, đặt trọng tâm vào Chuyển đổi số trong toàn ngành Y tế…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực