Y Ngọc làm theo lời Bác

Thứ tư, 20/11/2019 16:50
(ĐCSVN) – “Khi được Phó Chủ tịch Nước tặng tấm ảnh Bác Hồ, mình vui lắm, xúc động lắm. Mình càng nhận thấy trách nhiệm phải góp sức giúp bản làng mình no ấm hơn. Mình hứa sẽ gắng làm theo lời Bác dạy”.

Đã hơn một năm sau ngày dự Hội nghị biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu tại Thủ đô Hà Nội, những kỷ niệm khó phai, những ấn tượng đặc biệt vẫn hằn sâu trong Y Ngọc. Cô tâm sự “có đi, có gặp mới biết, đã có rất nhiều cô đỡ thôn bản rất giỏi và nhiệt tình. Mình đã gặp nhiều bạn, đã cùng nhau chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc, chúng mình càng thêm tự hào về con đường đã chọn”.

 

Sau khi giúp sản phụ sinh con, Y Ngọc còn tận tình hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh

Y Ngọc là người con của bản làng xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Xã cách trung tâm huyện 33km, thuộc diện đặc biệt khó khăn với 100% dân số là người dân tộc Xê Đăng. Y Ngọc chia sẻ, phụ nữ trong xã khi mang thai thường ít đến cơ sở để khám, có tập quán sinh con tại nhà do người thân đỡ. Đồng bào còn nhiều phong tục chăm sóc cho trẻ sơ sinh, trẻ em chưa đúng như: Không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm, ăn bổ sung quá sớm khi mới 2-3 tháng tuổi nên nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng; trẻ ốm đau không đưa đến trạm y tế khám và chữa trị kịp thời nên có nhiều trẻ tử vong. Những tập tục lạc hậu dẫn đến nhiều cái chết rất thương tâm.

Rơm rớm nước mắt khi nhắc về ca sinh nở của người dì ruột. Ngày đó, chưa có cô đỡ thôn bản, người dân cũng như gia đình Y Ngọc vẫn theo tập quán sinh con tại nhà với những dụng cụ thô sơ, cắt rốn trẻ sơ sinh bằng nứa và dao. Vì không có chuyên môn, mụ đỡ làm sót nhau thai khiến dì bị băng huyết, sau đó tử vong. Theo phong tục, khi người mẹ mất, đứa trẻ sơ sinh sẽ bị đè cục đá hoặc cục sắt lên người, nếu sống sót qua 1 đêm thì mới được chăm sóc và nuôi dưỡng. 3 tháng sau, thành viên mới của gia đình Y Ngọc cũng theo mẹ qua đời.

Vài năm sau đó, chị ruột Y Ngọc cũng qua đời vì sót nhau thai sau sinh nở. Vì còn nhỏ, thương dì, thương chị, thương cháu nhưng Y Ngọc chưa biết làm thế nào, nhưng trong tiềm thức, Y Ngọc rất muốn làm một việc gì đó để thay đổi nhận thức, hành động trong tập quán sinh đẻ tại quê mình.

Sau khi học xong phổ thông cơ sở, được nghe về lớp học Cô đỡ thôn bản, Y Ngọc đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Năm 2009, cô được chọn tham gia khóa học Cô đỡ thôn bản trong vòng 6 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ. Được tiếp cận những kiến thức và kỹ năng khoa học về đỡ đẻ, xử trí các tình huống tai biến sản khoa, về chăm sóc trước, trong và sau sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình…, Y Ngọc học tập rất hăng say, tận dụng tối đa thời gian học để thu nạp được nhiều nhất những kiến thức được truyền đạt.

Y Ngọc nhớ rất rõ, lần đầu tiên đỡ đẻ cho một người hàng xóm là hôm cô về thăm nhà trong khóa học, ca sinh thành công càng khiến cô tự tin và vững dạ hơn. Sau khi khóa học kết thúc, ngoài việc tham gia đỡ đẻ cho nhiều phụ nữ trong thôn, Y Ngọc còn tuyên truyền cho gia đình, bà con trong thôn, xã dần dần bỏ những tập tục lạc hậu. Những chuyến đi tuyên truyền trên nương rẫy hàng chục cây số cho những người phụ nữ mang thai trở nên thường xuyên bởi với những định kiến, tập tục khó có thể thay đổi, Y Ngọc phải kiên trì và phân tích tỉ mỉ, thấu đáo để bà con dần hiểu và thực hiện.

Gần chục năm làm cô đỡ ở thôn Cạch Lớn II, xã Đăk Sao, những vui buồn của công việc cũng nhiều, số trẻ em chào đời trên tay Y Ngọc không thể nhớ hết. Y Ngọc kể, có những trường hợp, sản phụ gặp tai biến sản khoa, băng huyết, tình thế rất nguy kịch. Nhờ có những kiến thức về sơ cấp cứu, xử trí tai biến, cô đã giúp sản phụ vượt qua nguy hiểm, đồng thời nhờ người gọi cán bộ y tế ở trạm và xe cấp cứu lên giúp. Sản phụ ngay sau đó được chuyển lên tuyến trên và được cứu chữa kịp thời. Nhiều trường hợp khác, Ngọc kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của thai nhi để chuyển lên y tế tuyến trên khám và điều trị, giữ an toàn cho mẹ và con.

Những nỗ lực tuyên truyền, vận động của Y Ngọc suốt nhiều năm qua đã được đền đáp. Tỉ lệ bà mẹ có thai trên địa bàn đi khám từ 50% năm 2009 tăng lên 93% năm 2018; tỉ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng từ 20% năm 2009 lên đến gần 70% năm 2018. Tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tại thôn  giảm từ 35% năm 2009 xuống còn 8,5% năm 2018.

Vất vả là thế, nhưng chúng tôi được biết, Y Ngọc không hề có phụ cấp cho công việc của mình. “Trước đây, theo Dự án của EU, mỗi cô đỡ thôn bản được phụ cấp 0,3 mức lương cơ sở. Hết năm 2016, Dự án kết thúc, chúng mình chẳng có phụ cấp đâu. Vì thương đồng bào, lại được bà con tin tưởng, nên mình mới làm thôi. Nhưng chồng mình không đồng ý đâu. Vừa mất công sức, vừa tốn thời gian, lại còn phải mua xăng xe đi lại nữa chứ. Nhưng bà con tin cậy ở mình, trông chờ ở mình, thì mình cũng phải cố gắng thôi”.


Được tuyên dương Cô đỡ tiêu biểu tại Thủ đô Hà Nội, Y Ngọc càng có thêm động lực trên con đường đã chọn

Ông Đào Duy Khánh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, trước đây, khi có nguồn tài trợ của EU, hàng tháng mỗi cô đỡ thôn bản được hưởng phụ cấp 0,3 mức lương cơ sở. Cả tỉnh hiện nay có 172 cô đỡ thôn bản, trong đó có 52 cô đỡ đồng thời là nhân viên y tế thôn bản (phụ cấp 0,5). Từ năm 2017, khi nguồn tài trợ đã hết, địa phương không thể bố trí được nguồn ngân sách nên 120 cô đỡ không có nguồn phụ cấp nào. Mọi việc chỉ trông chờ vào sự nhiệt tình của các cô mà thôi.

“Các cán bộ vẫn nói với mình: “Bác Hồ dạy: Lương y như từ mẫu”, mỗi cán bộ y tế phải cố gắng chăm sóc nhân dân như người mẹ hiền chăm sóc con. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự nữa” – Y Ngọc tâm sự. Và cô vẫn nhớ như in những kỷ niệm trong lần ra thăm thủ đô Hà Nội, được viếng Lăng, thăm nơi ở của Bác, Y Ngọc càng thêm xúc động và tự hào: “Cả bản làng mình, chưa có ai được ra thăm Thủ đô, chưa có ai được thăm Lăng Bác Hồ. Vinh dự và tự hào lắm. Do đó, mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn, tham gia đầy đủ hơn các đợt đào tạo, tập huấn do tỉnh, huyện và cấp trên triệu tập để cập nhật kiến thức về phục vụ dân làng, giúp bản làng của mình ngày càng ấm no, yên vui”.

Tạm gác những buổi làm nương, làm rẫy, những bước chân của Y Ngọc lại tiếp tục đến những ngôi nhà xa nhất của bản làng - nơi mà ở đó, những người phụ nữ cần cô, những đứa trẻ cần cô. Và cô chính là cánh tay nối dài của ngành y tế tới những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng khó tiếp cận nhất của ngành y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nơi đây./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực