Mộc mạc gốm Phù Lãng

Chủ nhật, 05/03/2017 15:17
(ĐCSVN) – Từ lâu, các sản phẩm gốm của làng nghề Phù Lãng (Bắc Ninh) đã được nhiều người biết đến và ưa thích không chỉ ở chất lượng, thẩm mỹ mà còn bởi sự mộc mạc, gần gũi và nghệ thuật tạo hình độc đáo.

Nằm bên khúc sông Cầu hiền hòa và thơ mộng, làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã là một trong những nơi làm đồ gốm lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ.

Gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…gọi chung là men da lươn. Một đặc trưng khác làm lên tiếng tăm của dòng gốm Phù Lãng đó là phương pháp tạo hình đắp nổi trên sản phẩm, bền và lạ, với những kỹ thuật, kỹ xảo chạm bong khỏe khoắn, mộc mạc, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. 

 


Các sản phẩm gốm của Phù Lãng đều rắn chắc với màu men đặc trưng, không lẫn vào đâu được. 
Gốm Phù Lãng được tạo nên từ đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang).


Một xưởng sản xuất gốm tại Phù Lãng thường gồm năm nhóm chính: tổ lò, tổ chuốt, tổ họa tiết, tổ men, tổ làm sạch.
Xương đất sét có màu hồng nhạt, được phơi nắng, sau đó vào lò nung ở nhiệt độ 1.200 độ C trong 3 ngày 3 đêm liên tục sẽ chuyển sang màu gan gà, rắn chắc và trở thành sành sứ.

Khác với dòng gốm Bát Tràng hay Chu Đậu có màu men, nét vẽ tinh tế, đa dạng. Gốm Phù Lãng lại hấp dẫn ở sự mộc mạc, thô phác, chủ yếu là để tự nhiên.
Các sản phẩm gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại chính là gốm để thờ cúng (lư hương, đài thờ, đỉnh...); gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu...) và gốm mỹ thuật (bình, ấm hình thú như ngựa, voi...). 

Sản phẩm mang phong cách mới, một đặc trưng của dòng gốm Phù Lãng. 

Khởi nguồn từ nghệ thuật dân gian, tiếp bước truyền thống quê hương, thế hệ trẻ làng gốm Phù Lãng hôm nay đã tìm tòi, phát huy, sáng tạo ra những tác phẩm gốm hiện đại, nhưng không làm mất đi bản sắc truyền thống. Tiêu biểu như gốm Nhung hay gốm Thiều, được coi là những thương hiệu tiên phong ở Phù Lãng.

Các cơ sở này đã đầu tư mô hình sản xuất tập trung, theo hướng quy mô hiện đại, phát triển nghề một cách bền vững, có cơ sở đã hoạt động trên 15 năm, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, những kiến thức về mỹ thuật, tạo hình…đang được áp dụng triệt để, tạo nên một thế hệ nghệ nhân trẻ năng động, đổi mới, góp phần làm “thay da đổi thịt” làng nghề và tiếp tục nối dài thương hiệu gốm Phù Lãng./.

 

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực