Vãn cảnh chùa Bà Đanh

Thứ hai, 03/06/2019 15:21
(ĐCSVN) - Cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 8km, theo QL21B về phía Tây Nam là chùa Bà Đanh – một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, ngôi chùa gắn với câu cửa miệng “vắng như chùa Bà Đanh” truyền tụng trong dân gian từ lâu…​

Chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du Lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đầu tư gần 20 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp chùa. Trong chùa thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng thờ cúng dân gian Việt Nam. 

Về tên gọi chùa Bà Đanh, theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay...

Đường vào chùa Bà Đanh nổi lên là một không gian xanh khoáng đạt với nhiều cây cối cổ thụ.
Ngôi chùa tọa lạc trên thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Với tổng diện tích khoảng 10ha, khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm
nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.
Trong chùa hiện lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa như chiếc khánh cổ tuổi đời hàng trăm năm.
Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), đến thời Lê Huy Tông (1675 - 1750), nơi đây được xây dựng thành chùa to đẹp.
Đôi tượng Hổ và Rồng rồng cổ được chế tác từ đá nguyên khối vẫn được lưu giữ nguyên bản trong chùa.
Các bức hoành phi, câu đối nguyên bản chứa đựng nhiều thông tin quan trọng đối với công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Ở cung Đệ tam có 6 vì bái đường, tương truyền do 6 hiệp thợ khác nhau ở các vùng miền chế tác, mỗi vì có hoa văn, đường nét độc đáo và độ tinh xảo hoàn toàn khác nhau.
Vườn tháp cổ với hàng chục ngôi tháp tàng lưu xá lị, tro cốt của các vị tăng ni trụ trì, tu hành tại chùa qua các đời.
Núi Ngọc trong khuôn viên chùa là một quần thể núi đá với nhiều tảng đá vuông vức xếp tầng, hình thù kì quái,
 cây cối vẫn mọc xanh tốt như rừng.
Những cây Xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi vươn cao trên đỉnh núi Ngọc tạo nên
không gian sinh thái đặc trưng cho chùa.
Có nhiều cách lý giải câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” nhưng các ý kiến đều cho rằng, do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, xưa kia lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Hiện nay chùa Bà Đanh cùng với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), chùa Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên sẽ hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình” giữa đường thuỷ trên sông Đáy và đường bộ, khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước về chiêm bái, vãn cảnh../.
Trần Sơn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực