(ĐCSVN) - Từ đầu tháng 2 đến nay, trên một số trang mạng xã hội, xuất hiện trào lưu kêu gọi một số người tự xưng là “nhân sĩ, trí thức” tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Những trang này còn liên tục đăng tải các bài viết khuếch trương những nhân vật “cấp tiến”, kèm theo cái gọi là “cương lĩnh vận động tranh cử”. Họ đều khẳng định rằng việc tự ứng cử là thực hiện quyền của công dân được hiến định trong Hiến pháp và họ đáp ứng đủ tiêu chuẩn tự ứng cử theo qui định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, công dân từ 21 tuổi có quyền ứng cử vào đại biểu QH. Ảnh infonet.vn
Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước tới nay. Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Vì vậy, việc những người tự xưng là nhà dân chủ, “hoạt động xã hội” tham gia ứng cử vào Quốc hội luôn được Đảng, Nhà nước ta thừa nhận, tôn trọng. Đại diện các cơ quan bầu cử cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gần đây cũng khẳng định không có sự phân biệt đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.
Thế nhưng, điều đáng bàn ở đây là có một số người không đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội vẫn ngộ nhận, phủ nhận những điểm bản thân vi phạm, không đáp ứng được tiêu chuẩn và đi đến suy diễn, cho rằng chính quyền “gây khó dễ”, “phân biệt đối xử”.
Xin được nêu một vài trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, trường hợp một người tự ứng cử khi đến UBND phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để đề nghị xác nhận sơ yếu lý lịch thì được lãnh đạo Phường đã ghi bổ sung xác nhận người này “tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam; đã từng được thành viên của Đảng Việt Tân ở hải ngoại tiếp đón, tham gia phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ; đã từng tụ tập đông người trái pháp luật nhiều lần ở địa bàn công cộng quận Hoàn Kiếm, vi phạm Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ; là công dân không gương mẫu”. Thế nhưng, anh này vẫn khăng khăng khẳng định mình đủ tiêu chuẩn. Trường hợp một người khác, tuyên bố vào Quốc hội để xóa bỏ cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” trong tên gọi của quốc gia cũng như thể chế kinh tế. Còn một trường hợp khác thì bóng gió nói vào Quốc hội để vận động xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp bằng cách xây dựng một bản Hiến pháp mới…
Chỉ riêng với những phát ngôn, tuyên bố nêu trên đã cho thấy, những người tự ứng cử trên vừa không nghiêm túc khi ứng cử, lợi dụng tự ứng cử để truyền bá quan điểm trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa không đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Bởi vì, Điều 3 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội “phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội”, trong đó có điểm 1 nêu rõ: “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo qui định trên thì tiêu chuẩn đầu tiên là đại biểu Quốc hội phải trung thành với Hiến pháp. Trong khi đó tại điều 4 Hiến pháp hiến định rõ ràng: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy thì, những người tự ứng cử nếu phát ngôn, có tuyên bố phủ nhận điều 4 của Hiến pháp, không chấp nhận con đường XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng nghĩa với việc họ không trung thành với Hiến pháp, không đủ tư cách ứng cử đại biểu Quốc hội.
Thiết nghĩ, đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng, trực tiếp là Hội đồng bầu cử Quốc gia và cơ quan bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các địa phương nắm vững, đối chiếu để chủ động, kiên quyết loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn ứng cử ra khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội.
Về phía tổ chức Đảng, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã nêu rõ phải ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự./.