|
Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: haiphong.toaan.gov.vn) |
Theo nội dung đơn tố giác của ông Đặng Anh Vũ (trú tại tổ 19 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) là người được ủy quyền trong vụ án tranh chấp góp vốn giữa bà Đỗ Thị Dinh (nguyên đơn) và bị đơn bà Nguyễn Thị V, Nguyễn Thị Thúy V: Vào sáng ngày 30/7/2024, khi phiên họp hòa giải tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đang diễn ra với sự chủ trì của thẩm phán Đặng Hồ Điệp và sự tham gia của các bên liên quan, một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra. Hai người đàn ông lạ mặt, không thuộc thành phần tham dự được mời, bất ngờ xuất hiện và có hành động xâm phạm cá nhân ông Vũ ngay trong phòng họp.
Hành vi của hai đối tượng này không chỉ dừng lại ở việc sử dụng ngôn ngữ đe dọa mà còn bao gồm hành động bạo lực khi một trong hai người kẹp cổ ông Vũ, tạo nên không khí căng thẳng, đe dọa sự an toàn và tính mạng của ông. Dù đã được thẩm phán yêu cầu rời khỏi phòng họp, hai đối tượng này vẫn tiếp tục có những vi côn đồ, quay video và ghi hình khu vực sân tòa án.
Điều đáng chú ý, sự việc này diễn ra dưới sự hiện diện của một số cá nhân liên quan đến bị đơn. Theo ông Vũ, đây không chỉ là hành vi gây rối mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật và có dấu hiệu sử dụng các đối tượng bên ngoài để gây sức ép trong vụ tranh chấp.
Vụ việc bắt nguồn từ tranh chấp góp vốn giữa bà Đỗ Thị Dinh (nguyên đơn) và bị đơn bà Nguyễn Thị V, Nguyễn Thị Thúy V. để tham gia vào việc đấu giá mua dây chuyền máy móc của Công ty CP Tứ Đỉnh. Theo đơn tố giác, bà Dinh đã bị dụ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của bị đơn với lý do góp vốn mua dây chuyền máy móc từ tài sản phát mại của Ngân hàng SHB. Tuy nhiên, sau đó, bị đơn không thừa nhận số tiền này là góp vốn mà khẳng định đó chỉ là khoản vay, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho bà Dinh.
Ông Đặng Anh Vũ cho biết đã đề nghị Công an quận Hải An, thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan phối hợp cung cấp thông tin và điều tra làm rõ. Xác định các hành vi gây mất an ninh trật tự, xâm phạm danh dự và sức khỏe cá nhân có ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng hay không. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu trích xuất dữ liệu từ camera an ninh tại tòa án để phục vụ công tác điều tra.
Theo ông Đặng Anh Vũ, đã gần 5 tháng trôi qua, những đối tượng đã có những hành vi côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác vẫn chưa bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho những người tham gia tố tụng.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định: Hành vi gây rối này không chỉ là một sự cố đơn lẻ mà còn phản ánh những vấn đề nghiêm trọng về việc đảm bảo an ninh tại các phiên tòa. Một trong những yếu tố quan trọng của một phiên tòa là sự tôn trọng pháp luật và tính nghiêm minh của nó. Khi các đối tượng lạ mặt có thể dễ dàng xâm nhập và đe dọa cá nhân ngay tại trụ sở tòa án, điều này làm suy yếu lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp.
Theo quy định của pháp luật, hành vi gây rối tại phiên tòa có thể bị xử lý theo điều 391, Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
1. Người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuôc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Dẫn đến phải dừng phiên tòa, phiên họp;
b) Hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.
Như vậy, đối với tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp thì mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.
Việc xử lý nghiêm minh đối với những hành vi gây rối trong hoạt động tố tụng là rất cần thiết. Nó không chỉ bảo vệ an ninh tại tòa án mà còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia tố tụng. Nếu hành vi này không được xử lý đúng mức, nó có thể tạo ra tiền lệ xấu, khiến cho những đối tượng khác cảm thấy có thể tự do vi phạm pháp luật mà không phải chịu bất kỳ hình phạt nào.
Những hành vi gây rối, đặc biệt là những hành vi đe dọa, tấn công người tham gia tố tụng, cần phải được điều tra và xử lý nghiêm minh để góp phần bảo vệ uy tín của hệ thống tư pháp và đảm bảo rằng không ai có thể đứng trên pháp luật./.