Nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất bằng 40% tổng số đại biểu Quốc hội?

Thứ hai, 18/05/2020 10:10
(ĐCSVN) – Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp (Ảnh Quang Khánh)

Tại phiên họp thứ 45 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Báo cáo về các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung tại 10 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội.

Một trong những nội dung đáng chú ý là về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự luật đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong những nhiệm kỳ qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Khóa XIV, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm quy hoạch, bố trí, giới thiệu cán bộ ứng cử ĐBQH nhưng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách cũng chỉ mới đạt 34,5% tổng số ĐBQH. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật, các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử ĐBQH để hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bầu cử.

Về công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 8, các cơ quan đã đề xuất luật hóa quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ, đánh giá hoạt động đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 của UBTVQH. Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, quy định trong dự thảo Luật vẫn chưa đầy đủ, chưa đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay và một số nội dung chưa thật phù hợp với thực tiễn có thể gây chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp trong công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương. 

Thường trực Uỷ ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo thấy rằng, công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương bao gồm nhiều nội dung và có nhiều điểm đặc thù, đòi hỏi có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, đặc biệt là trong việc đánh giá hoạt động, thi đua, khen thưởng, điều động, luân chuyển đối với ĐBQH. Vì vậy, Thường trực UBPL và cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH theo hướng bổ sung quy định trong Luật về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc quản lý công tác cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách của địa phương mình; đồng thời giao UBTVQH quy định về việc thực hiện công tác cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với ĐBQH và ĐBQH hoạt động chuyên trách. 

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của Báo cáo của Ủy ban Pháp luật, đặc biệt là các nội dung về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách...

Một số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về quy định “Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban tham dự. Báo cáo, nghị quyết của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, đã là một tổ chức phải tuân thủ theo nguyên tắc, dưới 50% số thành viên dự họp và biểu quyết thì không thể coi là đầy đủ và đúng trình tự được. Vì vậy, nên giữ nguyên như Báo cáo.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cơ bản đồng tình với các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Về những nội dung còn chưa thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa các nội dung này tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến rồi sẽ cân nhắc thêm./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực