Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc xây dựng Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội…
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, quá trình xây dựng Dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Dự thảo có một số vấn đề mới, quan trọng nhưng còn có ý kiến khác nhau.
Trong đó, liên quan đến quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định bổ sung nhiệm vụ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định việc thành lập quỹ riêng về hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên để bảo đảm tính chuyên nghiệp.
|
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH |
Cho ý kiến về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc nhanh chóng bồi thường cho người chưa thành niên là rất cần thiết, vì thủ tục tố tụng hình sự phải có một thời gian nhất định mới có thể đưa ra các phán quyết liên quan đến bồi thường.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc lấy nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em thì cũng cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Trẻ em thì Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự quyên góp, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế, hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên.
Mặt khác, nếu quy định thành lập quỹ riêng để hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi vì, theo quy định tại Điều 36 và Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước thì chi cho an ninh, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, trong khi đó hoạt động tư pháp người chưa thành niên là hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. “Việc thành lập quỹ riêng về hoạt động này có thể sẽ gây chồng lấn với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nên cũng cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thận trọng hơn quy định này” - ông Cường nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng bày tỏ băn khoăn với cả hai phương án. Theo ông Tùng, nếu lập quỹ riêng sẽ trùng lặp nhiệm vụ chi, không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Còn nếu sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em để hỗ trợ cho công tác này trong khả năng nguồn lực của Quỹ không dồi dào cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ; do đó, cần cân nhắc thêm quy định này. “Về nguyên tắc, vấn đề này phải đảm bảo từ ngân sách nhà nước” - ông Tùng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh quan điểm cần phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động tư pháp người chưa thành niên, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những đối tượng này rất đặc thù, thường hay rơi vào những hoàn cảnh như bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc vi phạm pháp luật, bị thiếu cha mẹ do hoàn cảnh, khó có điều kiện để bồi thường thiệt hại và chăm sóc điều trị y tế khi phạm tội.
Đồng tình với phương án nên sử dụng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em, song bà Thanh chỉ rõ, Quỹ Bảo trợ trẻ em có quy định về độ tuổi trẻ em là người dưới 16 tuổi. Do đó, để thực hiện quy định của Luật này, đảm bảo bao quát và phù hợp, Dự thảo Luật cần quy định rõ đối tượng được hỗ trợ kinh phí gồm cả người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thì đề nghị cân nhắc quy định về việc thành lập Quỹ hoặc quy định rõ nguồn hỗ trợ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và mục đích của Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên. Để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật. Trong đó, cần cân nhắc thêm vấn đề về Quỹ và kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động tư pháp người chưa thành niên để có quy định phù hợp hơn./.