Tọa đàm: Điểm mới quy định về sở hữu và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ tư, 04/02/2015 21:47

(ĐCSVN) - Ngày  4/2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Điểm mới quy định về sở hữu và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật dân sự ((BLDS) sửa đổi)” nhằm cung cấp thêm thông tin để nhân dân đóng góp vào dự thảo BLDS (sửa đổi).

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia GS.Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), thành viên ban soạn thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) và PGS.TS.Phùng Trung Tập – Đại học Luật Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ khái niệm sở hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác; phân tích những điểm mới trong quy định về sở hữu và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

 

Tọa đàm trực tuyến điểm mới quy định về sở hữu và quyền sở hữu
trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). (Ảnh: Quang Hiếu).


Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là dự án luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân.

Trong đó, có rất nhiều điểm mới quy định về sở hữu và quyền sở hữu nhằm điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Theo GS Dương Đăng Huệ, phần “quyền sở hữu và các vật quyền khác” là phần mới được xây dựng trong dự thảo nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vấn đề này.Bộ Luật hiện hành liệt kê 6 hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu chung, sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và sở hữu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Dự thảo Bộ Luật chỉ quy định có 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. “Quy định này là để định vị sở hữu toàn dân, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay”.

GS Dương Đăng Huệ cho hay: Chỉ nên quy  định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng vì sở hữu toàn dân thực chất cũng chỉ là sở hữu chung. Tuy nhiên, Ban soạn thảo nhận thấy, sở hữu toàn dân là sở hữu đối với một số tài sản đặc biệt như đất đai, tài nguyên… và do Nhà nước đại diện sở hữu, chứ không hoàn toàn giống với sở hữu chung nên coi sở hữu toàn dân là một hình thức cụ thể của sở hữu chung  như vậy là “tầm thường hóa” về vị trí chính trị, kinh tế, quốc phòng… của sở hữu toàn dân”.

Từ góc độ thực tiễn, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị, phải sửa đổi các quy định về sở hữu chung, cho phù hợp với luật chuyên ngành, nếu không sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Dẫn chứng trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi tỏ ra băn khoăn khi đặt vấn đề : “Thứ nhất, thời điểm xác lập từ khi nào, chúng ta có đánh đồng giữa thời điểm xác lập hay thời điểm chuyển quyền trong các giao dịch hay không? Ví dụ tôi có 1 cái nhà, tôi xây dựng xong đã có giấy phép xây dựng vậy tôi có quyền sở hữu nhà đó từ khi nào? Tôi được thừa kế cái nhà, di chúc đó là hợp pháp vậy quyền sở hữu với nhà đó từ khi nào. Tôi đề nghị có thể nghiên cứu lại”. Mặt khác, theo ông Khởi, sở hữu chung thường có một hoặc nhiều mục đích và các chủ thể không có quyền như nhau như sở hữu nhà chung cư…

Liên quan đến các quy định về các vật quyền khác trong dự thảo, PGS.TS.Phùng Trung Tập – Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đây là khái niệm mới với Việt Nam nhưng không mới với thế giới. Việc đưa khái niệm này vào dự thảo là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đang phát sinh ở Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề còn “bó” trong quy định về quyền sở hữu trước đây.

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến trái chiều của các chuyên gia và người dân trong dự thảo BLDS (sửa đổi) bởi cho rằng khái niệm này dễ gây “khó hiểu” và quá chuyên ngành đối với đa số người dân.

Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ lý giải, việc quy định về vật quyền không phải là tùy tiện, chơi chữ thuần túy mà là để xử lý những vấn đề thực tiễn. Bởi quy định vật quyền trong dự thảo Bộ luật bao gồm các quyền thực chất đã được quy định trong pháp luật hiện hành và bổ sung nhiều quyền khác, gồm quyền địa dịch,  quyền đối với bề mặt, quyền sở dụng tài sản nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước… để đa dạng hóa vật quyền và bảo đảm cho việc sử dụng tài sản hiệu quả.

PGS.TS Phùng Trung Tập phân tích rõ thêm: “Dự thảo lần này là quy định các vật quyền khác vì vật quyền khác điều chỉnh các quan hệ thực tiễn đã tồn tại ở nước ta cùng với cuộc sống như: quyền mở lối đi, quyền xây dựng hệ thống thoát nước, quyền mắc đường dây tải điện, quyền xây dựng các hệ thống giao thông như cầu vượt, tàu điện ngầm… đó cũng là một dạng của “vật quyền”. Mặc dù người sử dụng đó không phải là chủ sở hữu nhưng có quyền sử dụng tài sản đó để thỏa mãn nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của mình”.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực