Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp nỗi lo biển "gặm" bờ, "nuốt" trôi đất

Bài 1: Hậu Giang, Bạc Liêu "oằn mình" chống chọi BĐKH
Thứ sáu, 16/08/2019 18:34
(LTS) – Nói về đồng bằng sông Cửu Long, lâu nay người ta vẫn hình dung về một vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng. Nhưng thực tế, giờ đây khi nhắc về vùng châu thổ này, ai cũng phải chấp nhận một sự thật rằng: Quy luật “bên lở bên bồi” đã không còn, khi những dòng sông, bờ biển đang “gặm” bờ, gây xâm nhập mặn, sạt lở nghiêm trọng.

Bài 2: Thủ phạm khiến đồng bằng hứng chịu thảm họa “mối đe dọa kép”

Bài 3: Những mô hình thích ứng “thuận thiên”

Bài 4: Chuyên gia nước ngoài “hiến kế” giúp ĐBSCL ứng phó BĐKH

Bài 5: Nghị quyết 120 "chốt" quyết sách đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải gánh chịu không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu. Nếu như một thế kỷ nữa, nhiệt độ nước biển tại Việt Nam tăng 3 độ C, mực nước biển vùng ĐBSCL tăng từ 55 – 75 cm, sẽ khiến cho 40% tổng diện tích ĐBSCL bị ngập nước. Việc nước biển dâng, xâm mặn sẽ khiến cho 45% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn vào năm 2030.

Tác động của BĐKH đã ảnh hưởng đến ĐBSCL, điển hình trong đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016 đã làm hầu hết các cửa sông tại BĐSCL bị xâm mặn từ 50 km đến 70 km, đặc biệt, sông Vàm Cỏ có lúc xâm mặn hơn 90 km gây thiệt hại lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Cho đến nay, sau nhiều năm “oằn mình” chống chọi với cơn đại hạn lịch sử, xâm nhập mặn, sạt lở…, hàng triệu người nông dân ở miền sông nước đã rơi vào thế buộc phải quen dần để chuyển mình sang thích ứng.


Hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa sinh kế người dân miền Tây. (Ảnh: Minh Trọng).

Bài 1: Hậu Giang, Bạc Liêu "oằn mình" chống chọi BĐKH

(ĐCSVN) - Có mặt tại Hậu Giang, Bạc Liêu - một trong 13 tỉnh thuộc ĐBSCL vào những ngày hè “nắng như đổ lửa”, chúng tôi được bà con và chính quyền địa phương nơi đây trải lòng về những gì mà họ đang phải chống chọi với “con quái vật” mang tên BĐKH.

“Đau đáu” nỗi lo hạn, mặn và sạt lở

Là một trong 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, Hậu Giang có tiềm năng kinh tế phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân Hậu Giang luôn phải chống chọi với những diễn biến khôn lường của BĐKH. Tác động của BĐKH làm gia tăng các hiện tượng cực đoan như nắng nóng kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão, sạt lở, lũ lụt thất thường… ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân nơi đây.

Đi khắp các thị xã của Hậu Giang, theo phản ánh của người dân, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, kéo dài và duy trì ở nồng độ cao. Năm 2017, độ mặn không đáng kể, nhưng đến năm 2019 độ mặn cao nhất đo được trên địa bàn huyện Long Mỹ (tháng 3) là 12‰, cao hơn cùng kì năm 2018 (6,2%), cao hơn năm 2016 (11,6%). Ngoài ra, tác động cộng gộp của BĐKH làm tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp và khó lường hơn.

15 giờ chiều, đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền Tây, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Gần đây sự suy giảm lượng mưa trên địa bàn tỉnh làm giảm lượng nước mặt bổ trợ từ nước mưa, nên làm giảm lượng dòng chảy nước mặt và lượng nước bổ sung cho nước ngầm.

Mặt khác, sự chia cắt sâu sắc dòng chảy sông Mê Kông, nhất là các nước ở vùng thượng nguồn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng nước mặt và lưu lượng dòng chảy sông đi vào vùng hạ lưu ở nước ta, làm giảm hiện tượng lũ lụt vốn từng là tính chất của sông Cửu Long, đồng thời làm tăng nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường.

“Khi mực nước biển dâng do BĐKH tăng lên, thì hoạt động truyền triều sẽ đi rất sâu vào trong nội địa, nhất là vào mùa nước kiệt, sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm, làm giảm khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn nước. Do đó sẽ gia tăng áp lực cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt, cũng như gia tăng vấn đề ô nhiễm, suy giảm và suy thoái nguồn nước do tác động của các nguồn nước thải thải ra từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội”, ông Giao cho hay.

Sạt lở  nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống người dân Hậu Giang. (Ảnh: Bích Liên)

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, BĐKH sẽ làm mùa khô, tình trạng ngập úng kéo dài hơn do khả năng tiêu thoát nước chậm, lưu lượng nước sông Mê Kông giảm trong mùa khô, tăng vào mùa lũ, song hiện nay lũ lớn không xảy ra do việc tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn. Tác động này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng khai thác và sử dụng nguồn nước mặt cho sinh hoạt và sản xuất.

Trên con đường qua khắp các huyện của tỉnh Hậu Giang, BĐKH đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con như: quỹ đất sử dụng cho nông nghiệp, điều kiện khí hậu ảnh hưởng đến cơ cấu, sinh trưởng và phát triển của các loại giống, cây trồng, vật nuôi; khó khăn trong việc cấp nước thuỷ lợi; thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây nhiều thiệt hại. BĐKH cũng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước ngọt, làm thay đổi dần trong đó nhiệt độ, độ mặn có xu thế gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống thủy sinh nước ngọt theo hướng thu hẹp.

Không chỉ, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa nghiêm trọng tỉnh này, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra sạt lở tại 15 điểm gồm: Huyện Châu Thành (12 điểm); huyện Châu Thành A 01 điểm; thị xã Ngã Bảy 02 điểm…Chiều dài sạt lở là 381m, diện tích  mất đất bờ sông là 1.981,5m vuông; ước thiệt hại 875.900.000 đồng.

Chị Phạm Thị Mỹ Nhung sống tại thị xã Ngã Bảy cho biết, tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng bắt đầu từ khoảng năm 2014. Cứ đến mùa gió chướng (mùa mưa, biển động) là người dân lại thấp thỏm sống cùng sạt lở. Bà con chỉ biết, chừng nào sóng đánh vào gần đến nhà thì dọn nhà, cuốn gói đồ đạc chạy. Trong vòng 2 năm nay, gia đình chị đã 3 lần phải dời nhà.

Bạc Liêu nhìn đâu cũng….sạt lở

Nhìn sang tỉnh Bạc Liêu, một trong những địa phương có bờ biển dài 56 km. Đây được coi là khu vực có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an ninh – quốc phòng và sinh kế của hơn 100 ngàn người dân, song cũng là khu vực chịu nhiều tác động của BĐKH, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Đặc biệt nơi đây cũng là tâm điểm của các hiện tượng xói lở bờ biển, sạt lở đê biển và kè cửa sông ven biển do thay đổi dòng chảy và sóng to, gió lớn gây thiệt hại nặng nề đến sinh kế người dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, tổng diện tích rừng phòng hộ của tỉnh là 3.897 ha; trong đó diện tích có rừng là 2.752,52 ha và diện tích đất chưa có rừng là 1.144,48 ha. Những năm gần đây, rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu đang chịu tác động lớn của BĐKH, khiến thảm rừng ngập mặn ven biển và bờ biển Bạc Liêu đang có khuynh hướng sạt lở và bồi tụ.


Người dân trồng các loại cây trầm, bần làm kè sinh thái ngăn sạt lở. (Ảnh: Bích Liên)

Chia sẻ với chúng tôi, một số hộ dân nơi đây cho biết, những đoạn bờ biển đã và đang bị xói lở quanh năm. Cụ thể, đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến gần kênh 30/4 với chiều dài khoảng 11 km (gồm các xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành và phường Nhà Mát) và đoạn kênh số 3 đến cửa Gành Hào có chiều dài khoảng 4 km, tốc độ xói lở bình quân hằng năm từ 20-30m theo chiều ngang và 0,5-1m theo phương thẳng đứng…

Cùng với đó, hiện tượng sạt lở ở thảm rừng phòng hộ và bờ biển Bạc Liêu đã và đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh do tác động của sóng và dòng chảy ven biển từ những biến đổi khác thường của thời tiết và BĐKH. Hiện tượng xâm thực bờ biển đang diễn ra gay gắt, đe dọa trực tiếp đến rừng phòng hộ và tuyến đê biển Đông.

Chỉ tính từ tháng 1/2017 đến nay, nhiều khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, tại Kè Gành Hào, phạm vi sat lở dài 835m, khiến đoạn kè bị hỏng, sóng mạnh đã đánh tràn vào thân kè, gây ngập nghiêm trọng trên một phần diện tích thị trấn Gành Hào, uy hiếp trực tiếp đến hơn 1.000 hộ dân sinh sống trong khu vực lân cận.

Không chỉ vậy, đường dẫn vào phía cầu Sóc Trăng bị sụp lún với chiều dài 10m, rộng 3m, sâu 0,5m; Kè Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) xuất hiện 2 hố sụp và trồi mái kè; đường dẫn vào cầu phía Bạc Liêu, tiếp giáp với đê đất bị sạt lở với chiều dài 8m, rộng 3m, sâu 0,5m…

Nguy hiểm hơn, tại các bờ sông, tình trạng sạt lở cũng diến ra nghiêm trọng, xảy ra tương đối nhiều như: Tuyến sông Hộ Phòng- Gành Hào (thuộc phường 2, TP Bạc Liêu); sông Cà Mau - Bạc Liêu (thuộc thị xã Giá Rai); kênh Quản Lộ -Phụng Hiệp (thuộc thị trấn Phước Long)…Tốc độ sạt lở bờ sông của những vị trí trên thường từ 0,3-0,5m/năm, ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân sống dọc hai bên bờ sông, làm mất đi diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và đe dọa cuộc sống của người dân.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Gia Hào – một trong những hộ gia đình sống gần khu vực sông Cà Mau – Bạc Liêu (thuộc thị xã Giá Rai) chia sẻ: “Cứ vài ngày lại thấy bờ sông ở đây khác đi. Những hộ dân như gia đình chúng tôi sinh sống cạnh sông Giá Rai luôn trong tình trạng lo lắng vì con sông bị sụt lún, nhà cửa luôn có nguy cơ rơi xuống sông bất cứ lúc nào”.

Cùng nỗi lo trên, anh Châu Văn Hướng,thị trấn Phước Long cũng bày tỏ: “Những năm gần đây, biển sạt lở nhìn thấy được. Cứ vài ngày là thấy bờ biển khác đi, rừng mất, nhiều rồi ăn cả vào những đoạn sông, kênh rạch…Gia đình tôi mới cất nhà gần khu vực kênh Quản Lộ -Phụng Hiệp đã phải bỏ chạy vì sạt lở”.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sạt lở tại tỉnh, đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu đang gánh chịu tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, mất rừng phòng hộ do lượng phù sa giảm hụt từ thượng nguồn Mê Kông là khó tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng nay, hiện tỉnh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung đầu tư đồng bộ, chắc chắn, để tránh dàn trải trên tinh thần “lở ở đâu đắp ở đó”./.

(Còn nữa)

Nhóm PV Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực