Bài 4: Chuyên gia nước ngoài “hiến kế” giúp ĐBSCL ứng phó BĐKH

Thứ ba, 20/08/2019 15:15
(ĐCSVN) – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn là câu chuyện của riêng quốc gia hay vùng miền nào. Từ lâu, nó đã trở thành vấn đề được đưa ra bàn bạc và chia sẻ để tìm hướng khắc phục. Tại Việt Nam, những kịch bản của BĐKH mà đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu không còn là sự nhận diện mà là hệ lụy hiện hữu.

Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp nỗi lo biển "gặm" bờ, "nuốt" trôi đất

Bài 2: Thủ phạm khiến đồng bằng hứng chịu thảm họa “mối đe dọa kép”

Bài 3: Những mô hình thích ứng “thuận thiên”

Trước thực trạng trên, để “hiến kế, cứu nguy” cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các chuyên gia nước ngoài đã có những phân tích, đánh giá giúp đồng bằng ứng phó với BĐKH, tiến tới phát triển bền vững.

“Nuôi dưỡng” nguồn nhân lực BĐKH

Là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất Việt Nam, tuy nhiên ĐBSCL lại đang chịu tác động nặng nề của BĐKH. Tại đây, gần 50% diện tích đất bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trồng lúa. Cùng với đó, điều kiện khí hậu trong tương lai dự kiến sẽ làm giảm sản lượng lúa ở ĐBSCL, cụ thể sản lượng sẽ giảm 2% trong vụ lúa thu và 6% trong vụ lúa xuân.

Ông Tsunoda Manabu – Cố vấn trưởng dự án JICA tại Đại học Cần Thơ

Trước thực trạng trên, để phát triển một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH tại đồng bằng, ông Tsunoda Manabu – Cố vấn trưởng dự án Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Đại học Cần Thơ đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều thông tin hữu ích.

Theo vị Cố vấn này, có những giống lúa đa dạng về các khả năng chịu đựng nhiệt độ, độ mặn, hạn hán và lũ lụt cao. Do đó việc lựa chọn các giống lúa thích hợp là một lựa chọn kỹ thuật cho việc thích ứng với BĐKH toàn cầu. Trong khuôn khổ một Dự án của JICA tại Đại học Cần Thơ, các nhà khoa học đã tìm thấy một số giống lúa địa phương có khả năng chịu mặn cao, và phân tích cơ sở di truyền của nó.

Đặc biệt, ông Tsunoda Manabu nhấn mạnh vai trò của các nghiên cứu và việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về BĐKH. Ông cho biết, JICA đang triển khai Dự án xây dựng trường Đại học Cần Thơ trở thành viện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo xuất sắc. Trong khuôn khổ Dự án, các hoạt động nghiên cứu (44 chương trình) đang được thực hiện trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường dưới hai cụm từ khóa quan trọng: “biến đổi khí hậu” và “đồng bằng sông Cửu Long”. Trong khi đó, sinh viên theo học các chương trình thạc sĩ đang được giảng dạy về BĐKH đến từ các địa phương vùng ĐBSCL, các công ty tư nhân, Đại học Cần Thơ và các trường đại học khác.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh đến sự kết nối giữa các địa phương và các lĩnh vực trong ứng phó với BĐKH. Bởi theo ông, đây sẽ là nền tảng để tạo nên một xã hội bền vững trước vấn đề BĐKH ở ĐBSCL.

“BĐKH không phải là câu chuyện của riêng Hậu Giang, Bạc Liêu hay Cần Thơ… mà là của cả khu vực. Trong khi đó, các vấn đề về quảng canh nông nghiệp vùng ĐBSCL không thể được giải quyết chỉ bởi các chuyên gia nông nghiệp. Khuyến khích có sự tham gia của nhiều nhân tố đến từ các lĩnh vực khác nhau để tạo ra sự đổi mới và sáng tạo hơn. Các trường đại học đa ngành ở ĐBSCL có thể trở thành một cơ quan mạnh mẽ để để thực hiện và giám sát các hoạt động đó”, ông Tsunoda Manabu cho biết.

Ông cũng khẳng định, việc thành lập một Trung tâm tổng hợp thông tin và dữ liệu về vùng ĐBSCL là điều rất cần thiết dựa trên Quyết định 417/QD-TTG. Để Trung tâm hoạt động một cách có hiệu quả, mạng lưới các tỉnh thành và các vùng cần kết nối chặt chẽ, khuyến khích nên thành lập những trung tâm phụ ở mỗi tỉnh thành và một Trung tâm chính để việc chuyển giao dữ liệu và kết nối giữa các vùng hiệu quả hơn.

Trung tâm chính sẽ có các chức năng như: tóm tắt, phân tích và phổ biến tất cả các thông tin mới vùng ĐBSCL; giám sát tất cả những liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành, trường đại học; đưa nguồn nhân lực với công nghệ cao đến những địa điểm thực tiễn cần thiết; tiếp nhận, thảo luận, trao đổi ý kiến và tư vấn về kỹ thuật với các doanh nghiệp, cộng đồng,…; phản hồi thường xuyên cho mỗi trung tâm phụ ở các tỉnh về tất cả các thông tin mới.

Khi các trung tâm này được thành lập và hoạt động ổn định, các vấn đề quan trọng khác với mục đích an toàn cho vùng ĐBSCL có khả năng sẽ được giải quyết như quản lý chất thải tích hợp, đa dạng hóa và bảo vệ môi trường, và quản lý lưu vực tích hợp do quá trình đô thị hóa nhanh chóng của vùng ĐBSCL.

Truyền thông đóng vai trò “cốt lõi”

Tại “Hội thảo truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL” trong khuôn khổ Diễn đàn ĐBSCL năm 2019 do Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều đại biểu là những nhà quản lý, các chuyên gia nước ngoài đã cho ý kiến nhằm giải quyết những “tổn thương” và đưa đồng bằng phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc đưa Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) của Chính phủ vào giải quyết thực tiễn tại các địa phương.

Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu vực ĐBSCL

Đánh giá về tình trạng của đồng bằng hiện nay, ông Robbert Moree, Điều phối chương trình đồng bằng, Cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan cho biết: ĐBSCL hiện đang đối diện với nhiều thách thức từ BĐKH như nước biển sẽ dâng 2m vào năm 2100 (với kịch bản nhiệt độ tăng 2°C); sụt lún từ 2 đến 4cm hằng năm, đến năm 2050 sẽ bị sụt tầm 0,8m; nước biển dâng 1m, phù sa mất tới 93%...  Bên cạnh đó, thách thức trong sử dụng nước như tăng dân số, tăng trưởng kinh tế, tăng nhu cầu sử dụng. “Do vậy, trong thời gian tới cần sự đồng thuận để giải quyết những tổn thương và thách thức. Để thực hiện được điều này cần xây dựng một cơ chế chuyên biệt và đảm bảo sự phối hợp điều phối là nguyên tắc bắt buộc”, ông Robbert Moree cho hay.

Ở khía cạnh khác, bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền tải các thông điệp về BĐKH.

Theo bà, ĐBSCL đóng một vai trò quan trọng đối với những thành công về kinh tế - xã hội của Việt Nam. ĐBSCL là nơi sinh sống của 20 triệu người, cung cấp một nửa sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 1/3 GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL là một khu vực trũng thấp, rất dễ gặp rủi ro và bị tổn thương trước BĐKH. Nước biển dâng là một mối đe dọa thực sự, cùng với sự xuất hiện của tình trạng xói lở bờ sông và bờ biển, những dự báo gần đây về mùa mưa bão sắp tới cho thấy các dải đê biển hiện nay có thể sẽ bị xói lở, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các sự cố sạt lở bờ sông nghiêm trọng đang xảy ra thường xuyên hơn và với mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn.

Đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP vào năm 2017 và vào đầu năm 2019, đã phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120, bà Madhu Raghunath cho rằng, hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới ở ĐBSCL gắn kết chặt chẽ với những chuyển dịch và giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 120. Các đối tác phát triển hiện đang tích cực tham gia hỗ trợ chính phủ tại cấp trung ương và địa phương trong một loạt các vấn đề như: xói lở bờ biển và bờ sông bằng những giải pháp tối ưu, như dự báo và cảnh báo chính xác hơn về các sự kiện thời tiết cực đoan, giám sát xói lở, ghi chép thông tin đầy đủ và chính xác hơn, đưa ra các giải pháp mềm, dựa vào thiên nhiên và các giải pháp công trình để bảo vệ chống xói lở bờ biển và bờ sông…

“Tất cả chúng ta đều cần những giải pháp và mô hình mới cho người dân địa phương để ứng phó với các tác động của BĐKH và nước biển dâng. Vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tìm hiểu và phổ biến những giải pháp hoạt động hiệu quả rất có ý nghĩa trong việc giúp mọi người thích nghi với thực tế mới và tìm kiếm cơ hội mới”, bà Madhu Raghunath nhận định./.

*Ảnh do dự án JICA hợp tác với trường Đại học Cần Thơ cung cấp.

(Còn nữa)

Nhóm PV Thời sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực