Nhìn lại thực trạng hạn, mặn, sạt lở trong những tháng qua, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy với phương châm “thích ứng” và “thuận thiên” để phát triển bền vững “vựa lúa của cả nước”. Để giải quyết vấn đề này thì việc triển khai mạnh mẽ và quyết liệt Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 20) được coi là “đòn bẩy” cứu nguy vùng châu thổ này.
Tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm giải quyết những thách thức mà ĐBSCL đang phải gánh chịu.
Biến “nguy cơ” thành “thời cơ”
Trước sức ép hạn, măn, sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún… người dân đồng bằng châu thổ đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Theo đại diện tỉnh Sóc Trăng, hiện nay bờ biển ĐBSCL bị lở rất nhiều, kéo dài từ Sóc Trăng đến Cà Mau, nếu không có giải pháp tốt sẽ tiếp tục mất đất. Nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất sẽ ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm.
Do đó, ĐBSCL rất cần có đầu tư vốn để có công trình chống sạt lở quy mô, đầu tư công trình cung cấp nước cho toàn vùng. Vấn đề này, mỗi địa phương không thể có khả năng thực hiện được vì cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, các tỉnh, nhân dân ĐBSCL rất cần dự báo của cơ quan chuyên môn về BĐKH để có sự chuẩn bị kịp thời khi có những tác động tiêu cực xảy ra.
Đồng quan điểm trên, ở góc độ địa phương ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhận định: Để đưa đồng bằng phát triển, 13 tỉnh thành ĐBSCL nên bước cùng nhau để tạo ra những thương hiệu chung của vùng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, các nước lân cận, chẳng hạn như Hàn Quốc, rất coi trọng nông nghiệp, nông thôn. "Tuy nhiên tại Việt Nam, phải chăng có lúc vẫn quay lưng với nông nghiệp, bởi nói đến nông nghiệp là nói đến nghèo đói?”, ông Hoan bày tỏ.
Người dân miền Tây thu hoạch thơm (dứa). (Ảnh: BL)
Khẳng định phải thay đổi tư duy, ông Hoan cho rằng, cần có giải pháp như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy giá trị gia tăng làm thước đo. Có như vậy mới đưa ĐBSCL phát triển bền vững.
Nhìn nhận những tác động của BĐKH đang diễn ra tại ĐBSCL được dự báo tăng lên từng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, biến bất lợi thành lợi thế; coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển. Trước mắt cần phát triển nông nghiệp đồng bằng bền vững theo 3 vùng: Vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển.
Trong đó, vùng thượng sẽ tập trung phát triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng giữa phát triển nông nghiệp miệt vườn - trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Cuối cùng là vùng ven biển, nơi phát triển nông nghiệp dựa vào nước mặn và lợ để phát huy lợi thế thủy sản; kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn.
“Cần triển khai việc xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển đồng bằng thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Không cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. Đến năm 2030, đưa diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220 - 300 nghìn ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ; chuyển đổi mạnh sang lúa 1, 2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản”, Bộ trưởng cho biết.
Lấy tài nguyên nước làm cốt lõi
Trước thực trạng khô, mặn, sạt lở… gây thiệt hại nặng nề cho người dân ĐBSCL, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đề xuất giải pháp “cứu” vựa lúa miền Tây là lấy tài nguyên nước làm cốt lõi và tôn trọng quy luật tự nhiên.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chỉ rõ, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, nêu rõ các quan điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó thiên tai cho ĐBSCL.
Từng trực tiếp đi khảo sát thực địa về tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đối với những thách thức hiện nay của đồng bằng, cần có quy hoạch tổng thể, dài hạn dựa trên những điều kiện có tính bền vững để biến những thách thức hiện nay thành cơ hội, tạo chuyển biến trong tư duy và hành động, phát triển bền vững đồng bằng. Lấy tài nguyên nước làm trung tâm và tổng hợp trên toàn lưu vực bao gồm nguồn nước xuyên biên giới các nước. Đồng thời phải nhận định được những nguyên nhân đâu là do con người, do thủy điện, do tự nhiên? Từ đó cần có ngay giải pháp cơ chế chính sách, chiến lược quy hoạch phát triển đồng bằng về lâu dài”, Bộ trưởng cho biết.
Người dân đắp đập cải tiến ngăn mặn, tạm trữ nước. (Ảnh: BL)
Ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL không chỉ tập trung vào hạn - mặn, mà còn cần chú trọng tình trạng sụt lún, sạt lở. Đây là hiện tượng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân miền Tây.
Từ góc độ ngành quản lý, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị: Trước mắt, cần giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối trên cả tuyến sông, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hoạt động khai thác cát trái phép và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.
Đặc biệt, Thứ trưởng đề xuất, phải quản lý chặt việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh rạch theo đúng quy định về việc hành lang bảo vệ nguồn nước và phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo Thứ trưởng, là đơn vị chịu trách chủ lực trong vấn đề ứng phó BĐKH phát triển bền vững đồng bằng, Bộ TN&MT đã đề xuất bố trí kinh phí khoảng 7.078 tỷ đồng để tiếp tục xử lý 46 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: 33 vị trí sạt lở bờ với tổng chiều dài 57 km, tổng kinh phí là 5.298 tỷ đồng và 13 vị trí sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 56 km, tổng kinh phí là 1.780 tỷ đồng.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát Nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, các Bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh trong vùng để xây dựng Đề án Tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp liên vùng, tiến tới phát triển bền vững ĐBSCL.
Như vậy, có thể khẳng định ĐBSCL đang cùng lúc chịu nhiều tác động lớn, trong đó tác động do BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất và nếu chúng ta không sớm có giải pháp đối phó sẽ hứng chịu những hậu quả nặng nề. Trước thực trạng trên đòi hỏi Việt Nam cần phải “hành động” ngay, kịp thời triển khai kế hoạch phát triển bền vững đồng bằng.Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong thời gian tới không phải là đối phó, chống lại BĐKH, mà là chinh phục, thích ứng, biến “thách thức” thành “cơ hội”, phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên” là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.
Để làm được điều này, việc triển khai Nghị quyết 120 chính là “đòn bảy” tạo bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong phát triển bền vững đồng bằng. Việc triển khai mạnh mẽ Nghị quyết cùng với sự nỗ lực chung của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam từ một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH trở thành một trong những quốc gia đi đầu và thành công nhất trong ứng phó BĐKH./.