Lộc Hà (Hà Tĩnh): Đẩy mạnh phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập tiêu biểu

Thứ năm, 13/08/2020 14:37
(ĐCSVN) - Thực hiện Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Hội Khuyến học huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài có những chuyển biến mạnh mẽ, góp nâng cao đời sống của nhân dân.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng gia đình, dòng họ học tập - (Ảnh: Báo HT)

Xác định xây dựng gia đình học tập và dòng họ học tập tiêu biểu là nền tảng cốt lõi của xây dựng xã hội học tập, nên trong lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Lộc Hà đã tập trung xây dựng củng cố và phát triển các mô hình này. Thông qua tổ chức thực hiện phong trào, nhận thức của các tầng lớp nhân dân ngày càng sâu sắc, hoạt động khuyến học khuyến tài, xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng có nhiều thuận lợi đạt hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết thực. Với ý thức ấy phong trào thi đua nhà nhà cùng học, người người cùng học đã thành một trào lưu mới - nét đẹp văn hóa, đã góp phần nâng cao dân trí nhân dân.

Ông Hồ Xuân Hường - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lộc Hà tâm sự, là huyện có truyền thống hiếu học lâu đời, toàn huyện hiện có 468 dòng họ, có những họ có trên 650 hộ gia đình với trên 1000 đinh, có họ chỉ vài chục đinh. Trong những năm qua cùng với sự phát triển của gia đình học tập, việc xây dựng ban khuyến học dòng họ cũng được quan tâm và có bước phát triển khá, đến nay đã có 468 dòng họ có ban khuyến học. Nhiều dòng họ đã làm tốt công tác khuyến học tài như dòng họ Nguyễn Trọng, Hồ Phúc, Hồ Sỹ ở Hồng Lộc; họ Nguyễn Khắc, Lê Đình ở Thịnh Lộc; họ Phan Đình, Nguyễn Duy ở Thạch Bằng; họ Lê Tiến, Nguyễn Đình ở Thạch Kim; họ Phan Văn ở Phù Lưu; họ Lê Tiến, Lê Quang, Lê Hữu, Trần Hữu ở Thạch Châu; họ Lê Trọng, Nguyễn Đình ở Bình An,…

Nội dung hoạt động của ban khuyến học dòng họ ngày càng sáng tạo, phong phú. Công tác xây dựng quỹ khuyến học dòng họ đạt kết quả thiết thực hiện nay 100% dòng họ có quỹ khuyến học, tiêu biểu có 19 dòng họ có quỹ khuyến học từ 30 triệu đến 300 triệu đồng, việc phát thưởng và hình thức phát thưởng được chú trọng; đã góp phần động viên, khích lệ việc học tập của con cháu ngày càng hiệu quả. Trong 5 năm qua, tỷ lệ học sinh giỏi hàng năm đều đạt trên 2000 em học sinh giỏi các cấp, trong có trên 200 em học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh. Toàn huyện hiện nay có 138 thạc sỹ và gần 100 người có học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đang công tác ở khắp mọi miền đất nước. Để hỗ trợ, khuyến khích động viên cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cấp hội đã có nhiều hình thức động viên có ý nghĩa như: gặp gỡ nhân dịp đầu xuân, hoạt động hè để động viên và tặng quà, trao học bổng cho các em đỗ đại học, cao đẳng…

Ông Hồ Xuân Hường nhấn mạnh, nhờ có phong trào gia đình học tập, và dòng họ học tập, các Trung tâm học tập cộng đồng trong huyện được xây dựng và hoạt động khá hiệu quả với các hình thức học tập theo đúng phương châm đề ra là “cần gì học nấy”. Các Trung tâm đã chủ động phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhờ đó đến nay, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 70%, tăng 19,03% so với năm 2015; tạo việc làm mới trên 6.200 lao động; thu nhập bình quân đầu người trên 37 triệu đồng tăng 12 triệu so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,11% năm 2015 xuống 3,7% năm 2020.

Hiệu quả trong phát triển kinh tế ngày càng cao, nhiều cá nhân tổ chức đã có kiến thức về quản lý kinh tế, kinh doanh mạnh dạn đứng ra thành lập doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã: đã thành lập được 263 doanh nghiệp, 94 hợp tác xã, 109 tổ hợp tác; nhiều làng nghề như làm hương, làm chổi đót, bún bánh, chế biến thủy hải sản phát triển ở trên địa bàn 12 xã; xây dựng được 569 mô hình phát triển kinh tế, đã có nhiều mô hình trang trại, gia trại có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng năm. Thông qua phong trào xây dựng xã hội học tập đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ, chuyển giao các ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất ngày càng phát huy tốt hiệu quả, những kết quả trên góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của huyện.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Hà Trần Xuân Lương phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. (Ảnh: Báo HT) 

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; vinh danh gia đình văn hóa và gia đình, dòng họ, đơn vị học tập của huyện tổ chức, đã có 12 dòng họ, 12 cộng đồng, 9 đơn vị, 28 gia đình học tập và 42 gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2020 đã được huyện Lộc Hà vinh danh, khen thưởng.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Xuân Lương cho biết: Thời gian tới, các cấp, ngành, toàn xã hội cần tiếp tục nhân rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và gia đình học tập, dòng họ, cộng đồng khuyến học, khuyến tài phù hợp với điều kiện thực tiễn, đạt kết quả ngày càng tốt hơn.

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, trung tâm học tập cộng đồng; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; tập trung chỉ đạo nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” phù hợp...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: viết bài tin trên các báo, đài phát thanh, truyền hình làm cho mọi người dân đều hiểu được giá trị và vai trò của khuyến học, xây dựng xã hội học tập trong đời sống xã hội./.

Phạm Công Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực