Đắk Lắk: Sản xuất cà phê bền vững và có trách nhiệm

Thứ hai, 06/05/2024 19:14
(ĐCSVN) - Tại Đắk Lắk, lượng cà phê xuất khẩu năm 2023 đạt 304.064 tấn, chiếm hơn 55% sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu hơn 760 triệu USD, đóng góp 18% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cà phê hòa tan xuất khẩu đến 23 thị trường.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực ở Đắk Lắk. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Theo đó, những năm qua, nhiều đơn vị sản xuất cà phê ở Đắk Lắk áp dụng biện pháp thâm canh kỹ thuật tiên tiến, sản suất thân thiện với môi trường, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm.

Qua phân tích sinh hóa, chất lượng sản phẩm cà phê nhân được cải thiện đáng kể, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong sản xuất kinh doanh, sản phẩm cà phê sạch có giá trị xuất khẩu tăng đáng kể, lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Một số các công ty sản xuất cà phê ở Đắk Lắk đã đưa tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào thâm canh vườn cây và áp dụng quản lý dịch hại IPM. Trong quá trình sản xuất đã thực hiện bón lượng phân hữu cơ vi sinh, phân vô cơ theo tỷ lệ hợp lý, vừa tăng độ phì cho đất, vừa bảo đảm vườn cà phê phát triển sung sức và sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.

Được thành lập năm 2020, gồm 28 thành viên, với diện tích đất canh tác trên 30 ha, vượt qua những khó khăn ban đầu, Hợp tác xã Thành Công đã không ngừng nỗ lực với “lối đi” của riêng mình, góp phần mang lại lợi ích cho xã viên và người dân địa phương.

Hợp tác xã thành lập với mục đích tạo vùng nguyên liệu sạch, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng an toàn. Do đó, các thành viên tham gia liên kết sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong khâu trồng trọt. Đồng thời, hợp tác xã còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để vừa hỗ trợ giá, vừa kiểm soát được lượng vật tư nông nghiệp mà người dân sử dụng trong quá trình canh tác.

Cùng với việc tạo ra vùng nguyên liệu sạch, năm 2021, Hợp tác xã đã xây dựng cơ sở vật chất để nghiên cứu sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó thu mua và lựa cà phê chín 100% của các hộ liên kết để sản xuất theo quy trình chất lượng cao, gồm hai loại natural và honey.

Có thể thấy, phát triển sản xuất xanh ở Đắk Lắk là đòn bẩy giá trị cho sản phẩm cà phê. Sản xuất và phát triển bền vững, có trách nhiệm đã trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc của thị trường thế giới đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang từng bước chuyển mình theo hướng sản xuất xanh, sạch, có chứng nhận để tạo ra các sản phẩm phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu.

Sơ chế cà phê sạch. (Ảnh: Báo Đắk Lắk) 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc đa dạng hóa cây trồng trong các vườn cà phê hiện chiếm hơn 40% tổng diện tích cà phê của tỉnh. Theo đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn cà phê. Đây được xem là một trong những giải pháp mang lại nhiều hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak, doanh nghiệp đang đi theo hướng là phát triển những trang trại, vườn cảnh quan nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm dần về phát khí thải. Tầm nhìn đến năm 2030, Simexco Daklak sẽ có những lô cà phê giảm dần về phát khí thải "zero".

Đặc biệt, đến thời điểm này Simexco Daklak tự hào là đơn vị đầu tiên trên thế giới được Tổ chức Hiệp hội 4C cấp chứng nhận vùng nguyên liệu không gây mất rừng theo tiêu chuẩn EUDR (Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu). Và Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên của Việt Nam có chứng nhận, chứng minh Đắk Lắk không những là "thủ phủ" cà phê mà cà phê nơi đây còn đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe của thế giới.

Tổng diện tích được chứng nhận là 9.437 ha (ở các huyện Krông Ana, Cư M’gar, Krông Năng và TX. Buôn Hồ) của 7.987 hộ nông dân; sản lượng trên 35 nghìn tấn. Trong thời gian tới, Simexco Daklak sẽ tiếp tục cùng các đối tác mở rộng vùng nguyên liệu không gây mất rừng. Việc triển khai chứng nhận EUDR ở Việt Nam còn là một phần của nỗ lực chung để thúc đẩy sản xuất và kinh doanh bền vững, có trách nhiệm. Đồng thời, góp phần vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu, một yếu tố ngày càng được các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng quốc tế quan tâm.

Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) là một bộ quy định quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào Liên minh châu Âu (EU), đảm bảo các sản phẩm không liên quan đến việc phá rừng hoặc suy thoái rừng. Việc tuân thủ EUDR không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở rộng cánh cửa thị trường, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cà phê trên toàn cầu. Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất bền vững và có trách nhiệm./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực